Cuối năm 2017, T.P Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2035, mở rộng T.P Thái Nguyên về phía Đông và phía Bắc. Sau hơn 1 năm, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, bộ mặt nông thôn mới (NTM) ở 5 xã mới chia tách về Thành phố đã có sự đổi thay rõ rệt.
Xã Đồng Liên hoàn thành Chương trình Xây dựng NTM năm 2014. Sau khi Chính phủ quyết định mở rộng địa giới hành chính T.P Thái Nguyên năm 2017, Đồng Liên tiếp tục được chọn để xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Xây dựng NTM dành cho xã thời gian qua là trên 75 tỷ đồng, trong đó có hơn 40 tỷ đồng huy động từ nhân dân địa phương (gồm tiền đối ứng, giá trị tài sản trên đất và đất hiến, ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình).
Nét đổi thay có thể thấy rõ nhất ở xã Đồng Liên đó là hạ tầng nông thôn, từ trụ sở UBND xã, trường học, các công trình thủy lợi, giao thông, môi trường đều được kiến thiết, xây dựng mới. Ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Liên tự hào, chia sẻ: 95% đường giao thông nông thôn của xã giờ đã được trải nhựa và bê tông, với tổng chiều dài trên 30 km; hiện nay, 3/3 trường học của xã đã đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ người tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt trên 95%; 10/10 xóm được công nhận làng văn hóa; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%...
Năm 2010, Đồng Liên vẫn là một xã nghèo, với mức thu nhập bình quân chỉ đạt gần 10 triệu đồng/người/ năm. Tính đến thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng các mô hình kinh tế có hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung, bước đầu liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: mô hình cánh đồng một giống với diện tích 68ha; cánh đồng hoa chất lượng cao, táo xuân, ngô lai, mô hình rau an toàn; mô hình hợp tác chăn nuôi gà, lợn thương phẩm... Năm 2018, giá trị sản xuất trên 1ha đất của xã dự ước đạt 105 triệu đồng, tăng 51 triệu đồng so với năm 2011. Nhờ vậy, thu nhập bình quân toàn xã trong năm đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 4,7% (60 hộ), giảm 7,3% so với năm 2011.
Không chỉ xã Đồng Liên, theo ghi nhận của chúng tôi, 4 đơn vị hành chính khác, bao gồm: Xã Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng và phường Chùa Hang cũng có những thay đổi đáng kể trong xây dựng NTM. Ông Mã Quốc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho hay: 5 đơn vị hành chính chia tách về T.P Thái Nguyên duy chỉ có thị trấn Chùa Hang (nay là phường Chùa Hang) phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, 4 xã còn lại đều là những xã thuần nông, thu nhập chính của người dân chủ yếu là nông nghiệp.
Với chủ trương của Thành phố là tập trung phát triển thế mạnh của từng vùng, tạo ra chuỗi liên kết, chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao cũng như định hình rõ mỗi xã, phường một sản phấm, thời gian qua, T.P Thái Nguyên chú trọng xây dựng vùng cây ăn quả nổi tiếng tại xã Linh Sơn, với các loại cây như ổi, táo, cam, bưởi. Trong đó thương hiệu ổi Linh Nham đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thương hiệu tháng 10/2018.
Bên cạnh thương hiệu ổi, bánh chưng Bờ Đậu (xã Sơn Cẩm) cũng được bảo hộ thương hiệu của làng nghề truyền thống Thành phố. Theo đó, với lịch sử hơn 50 năm duy trì và phát triển, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc. Cùng với đó, các xã Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên cũng được Thành phố xác định là vùng chuyên canh rau an toàn, hoa và lúa.
Có thể thấy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân các xã mới sáp nhập về Thành phố, từ chỗ giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất nông nghiệp chỉ đạt 80 triệu đồng/ha/năm thì đến nay đạt 100 triệu đồng/ha/năm; bình quân thu nhập các xã hiện nay đạt 40 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với cùng kỳ).
Được biết, hiện nay, T.P Thái Nguyên đang đầu tư nhiều công trình, đặc biệt là các công trình thủy lợi cho các xã mới sáp nhập về Thành phố. Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Đối với các xã mới sáp nhập về Thành phố đã có sự đổi thay rõ rệt, nhưng về mặt bằng thu nhập chưa thể ngang bằng với các xã cũ của Thành phố trước đây. Bởi vậy, thời gian tới, Thành phố tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ cho các xã này, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất nông nghiệp để tăng thu nhập cho người dân các xã.