Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc được Ngân hàng Thế giới (WB) (gọi tắt là Dự án) tài trợ thông qua Hiệp định cấp vốn số 5476-VN ngày 17/7/2014 được ký giữa nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế; được triển khai tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên và Hòa Bình; thời gian thực hiện trong vòng 5 năm (từ 2015 đến 2020). Đối với tỉnh Thái Nguyên các hạng mục của Dự án được triển khai tại địa bàn T.P Thái Nguyên, đến nay nhiều hạng mục đã đưa vào sử dụng, đang phát huy tối đa hiệu quả.
Còn nhớ, khi tuyến đường Việt Bắc (T.P Thái Nguyên) đưa vào sử dụng (cuối năm 2016), người dân sinh sống ở khu vực này vô cùng phấn khởi.Trước kia, tiếng là tuyến đường nằm trong lòng Thành phố nhưng đường Việt Bắc vô cùng khó đi với những ổ trâu, ổ voi, ổ gà liên tiếp. Trời mưa, trên mặt đường, nước đọng thành vũng to, vũng nhỏ; trời nắng thì đường bụi mù. Ô tô qua tuyến đường này còn bị vỡ lốp xe vì va phải ổ trâu, ổ voi; người điều khiển xe máy đi qua chỗ đường xóc, có lúc không may bị ngã thâm tím cả mặt mày, chân tay. Từ ngày đường hoàn thành, nhà cửa xây dựng 2 bên đường khang trang tạo ra tuyến phố sầm uất, việc kinh doanh, buôn bán của người dân vì thế cũng thuận lợi, đặc biệt việc đi lại của người tham gia giao thông rất an toàn.
Còn đối với phường Đồng Quang, trước đây không có trường mầm non, người dân có con nhỏ phải gửi học nhờ tại các trường mầm non các phường lân cận hoặc gửi trẻ tư, nhưng từ khi địa phương được ưu tiên xây dựng trường mầm non mới bằng nguồn vốn WB, người dân có con nhỏ không phải đưa con đi học trường xa, hoặc gửi trẻ tư tốn nhiều tiền. Mới đây, khi cây cầu Bến Tượng thông xe, người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên vô cùng phấn khởi, vì chính họ cảm nhận rất rõ về lợi ích của cây cầu đem lại. Cây cầu không những giúp kết nối 2 bờ sông Cầu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối giao thông giữa T.P Thái Nguyên với các huyện phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương phát triển mà còn là điểm nhấn quan trọng về mỹ quan đô thị thành phố...
Trên đây chỉ là 3 hạng mục công trình của dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc,T.P Thái Nguyên. Với mục tiêu, hỗ trợ cho T.P Thái Nguyên có cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân, Dự án được triển khai trên địa bàn T.P Thái Nguyên có tổng nguồn vốn thực hiện là 80,5 triệu USD (tương đương 1.693 tỷ đồng), được thực hiện trong vòng 6 năm (từ năm 2015 đến 2020) với 12 hạng mục công trình, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I kéo dài từ năm 2015 đến 2016 với mức đầu tư 13,5 triệu USD cho 5 hạng mục công trình; giai đoạn II kéo dài từ năm 2016 đến 2020 với mức đầu tư 47,5 triệu USD cho 7 hạng mục công trình, các hạng mục gồm: nâng cấp đường Việt Bắc; xây dựng trường Mầm non Đồng Quang; cải tạo hạ tầng Khu dân cư phố Cột Cờ, phường Trưng Vương; cải tạo Hồ điều hòa Xương Rồng 2; Xây dựng cầu Bến Tượng; nâng cấp cầu Tân Long; xây dựng Khu tái định cư Việt Bắc; thực hiện ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị một số tuyến đường phố. Đến nay đã có 11/12 hạng mục công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, Giám đốc Ban quản lý dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc,T.P Thái Nguyên chia sẻ: Nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng đô thị của T.P Thái Nguyên rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực này lại hạn hẹp nên T.P Thái Nguyên được tiếp cận với nguồn vốn của Chương trình đô thị miền núi phía Bắc là một sự may mắn. Tuy nhiên khi triển khai, chúng tôi rất lo lắng, bởi để thực hiện Dự án phía Ngân hàng Thế giới đòi hỏi quy trình thực hiện rất khắt khe. Chẳng hạn Dự án được triển khai theo phương thức “giải ngân dựa trên kết quả” việc thanh toán hàng năm thông qua kết quả hoàn thành 5 chỉ số gắn với giải ngân (DLIs) được kiểm toán nhà nước xác minh kết quả. Nếu không phía Ngân hàng Thế giới không cho giải ngân vốn, nhưng dưới sự hỗ trợ từ phía Bộ, ban, ngành Trung ương; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Thành ủy, UBND T.P Thái Nguyên và sự quyết tâm vượt khó của chúng tôi, đến thời điểm này có thể khẳng định Dự án triển khai trên địa bàn T.P Thái Nguyên thành công như mong đợi.
Không chỉ những người trong cuộc đánh giá cao về hiệu quả, thành công của Dự án, mà ngay cả phía Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định T.P Thái Nguyên là địa phương triển khai Dự án đạt kết quả khá tốt. Bà Phan Thị Phương Huyền, chuyên gia cao cấp phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới trong lần đi kiểm tra các hạng mục thuộc Dự án phát biểu: “Thái Nguyên là địa phương được Ngân hàng Thế giới tin tưởng, đánh giá cao về năng lực thực hiện Dự án”
Cùng với việc triển khai Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, T.P Thái Nguyên, hiện TP. Thái Nguyên đang hoàn thiện các thủ tục trình các Bộ, ngành Trung ương để triển khai Dự án phát triển tổng hợp các Đô thị động lực-Tiểu dự án T.P Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD (cũng từ nguồn vốn WB), dự kiến Dự án thực hiện các hợp phần cơ bản như: nâng cấp hạ tầng giao thông và ngầm hóa hệ thống kỹ thuật một số tuyến đường; nâng cấp đường Việt Bắc giai đoạn 3; xây dựng đường Bắc - Nam - cầu Huống Thượng; cải tạo đường Lê Hữu Trác; nâng cấp đường Huống Thượng - Chùa Hang; cải tạo và nâng cấp cầu Đán; ngầm hóa hệ thống kỹ thuật một số tuyến đường. Nếu Dự án thực hiện thành công, T.P Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều công trình đô thị hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của T.P Thái Nguyên phát triển.