Không chủ quan với dịch bệnh lở mồm, long móng

08:05, 24/01/2019

Hiện nay, tình hình thời tiết bất lợi, nhiệt độ thấp, cường độ ánh sáng yếu là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển gây bệnh trên đàn gia súc, nhất là bệnh lở mồm, long móng (LMLM). Do đó, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, huyện Đại Từ đang đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Thái Nguyên, mặc dù hiện nay, trên địa bàn Đại Từ chưa phát hiện ổ dịch LMLM ở đàn gia súc nhưng tại nhiều địa phương, công tác phòng dịch vẫn được quan tâm. Tại các xã có số đàn vật nuôi lớn như Quân Chu, Bình Thuận, Cát Nê, Tân Linh, Phục Linh… chính quyền địa phương và lực lượng Thú y đã triển khai tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch qua hệ thống loa truyền thanh; tổ chức họp dân phát các văn bản hướng dẫn chuyên môn; lập cam kết nuôi nhốt gia súc tại chuồng, không được mua bán, vận chuyển, giết mổ đối với các hộ có gia súc mắc bệnh…

Cùng với những biện pháp trên, tại các xã, thị trấn trong huyện cũng đã tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; phân công nhiệm vụ và xác định trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, xóm, bản thực hiện công tác phòng dịch; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm, tác hại, thiệt hại của dịch bệnh đối với người dân và xã hội, tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi về biện pháp phòng, chống dịch LMLM; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; giám sát phát hiện, khai báo dịch...

Đặc biệt, các địa phương yêu cầu tổ, mạng lưới thú y, trưởng xóm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến từng hộ dân, chợ, tụ điểm buôn bán, giết mổ động vật, những vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ổ dịch, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan…

Ngoài ra, lực lượng Thú y cũng khuyến cáo người dân phải mua con giống ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc theo quy định; chủ động mua các loại vật tư, hóa chất để thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại…

Đồng chí Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh LMLM và yêu cầu các cấp, ngành chức năng đều phải vào cuộc tích cực. Đồng thời, phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh ở những địa bàn có nguy cơ cao xuất hiện dịch bệnh LMLM.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, huyện Đại Từ cũng đã chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc (trong đó có vắc xin phòng dịch bệnh LMLM), phun hóa chất khử trùng tiêu độc. Đồng chí Lê Thanh  Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện công tác phòng dịch, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc và việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng sẽ được địa phương đặc biệt quan tâm. Huyện cũng đẩy mạnh công tác giám sát, thông tin và khai báo dịch bệnh. Những trường hợp giấu dịch sẽ bị xử lý “mạnh tay” để làm gương.

Về phía các hộ chăn nuôi, cũng rất tích cực phòng dịch bệnh cho đàn vật  nuôi. Chị Mạc Thị Hồng, một người dân ở xóm Chùa, xã Bình Thuận cho hay: Gia đình tôi đang chăn nuôi hơn chục con lợn. Riêng tiền vốn cũng đã mất hàng chục triệu đồng. Để phòng bệnh LMLM cho đàn lợn, tôi thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại; theo dõi tình hình sức khỏe của chúng…

Hiện nay, huyện Đại Từ đang có gần 8.000 con trâu, xấp xỉ 1.600 con bò và trên 80,7 nghìn con lợn. Trên địa bàn có 5 trang trại chăn nuôi lợn quy mô hàng nghìn con, hàng chục gia trại quy mô vài trăm con và hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô từ hơn chục con lợn trở lên. Nhiều năm nay, chăn nuôi gia súc đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong huyện. Bởi lẽ đó, việc bảo vệ, phòng bệnh, nhất là bệnh LMLM cho đàn gia súc là rất quan trọng. Do vậy, bên cạnh những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, chủ trang trại thì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các tiểu thương buôn bán gia cầm cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm, không vì cái lợi trước mắt mà bán rẻ, bán chạy hoặc thu mua gia súc mắc bệnh để làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan rất mạnh đối với động vật móng guốc - chủ yếu gây bệnh cho lợn, trâu, bò, dê, cừu và đôi khi ở người. Bệnh gây thiệt hại kinh tế lớn vì bệnh làm gia súc mất sức cày kéo, giảm sản lượng thịt, giảm sản lượng sữa, gây sẩy thai. Mặc dù bệnh lây lan mạnh nhưng chỉ có khoảng dưới 5% lợn mắc bệnh bị chết. Tuy nhiên, với gia súc non mắc bệnh tỉ lệ chết lên tới 50-60%.