Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường những ngày giáp Tết

08:08, 26/01/2019

Đã thành quy luật, trước, trong và sau Tết luôn là thời điểm lý tưởng để các đối tượng lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, sắp hoặc hết hạn sử dụng. Chính vì thế, các lực lượng chức năng, trong đó, giữ vai trò nòng cốt là quản lý thị trường luôn phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát, nhằm hạn chế đến mức thấp hàng hóa không đảm bảo lưu thông trên thị trường.

Theo ông Vũ Quốc Quân, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Từ giữa tháng 12-2018, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, với sự tham gia của các sở, ngành: Quản lý thị trường, Công an, Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Khoa học - Công nghệ. Trong đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh - cơ quan thường trực Đoàn kiểm tra, cũng là Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Theo đó, các lĩnh vực, ngành hàng, mặt hàng được quan tâm kiểm tra, gồm: Hàng cấm kinh doanh, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng kinh doanh có điều kiện, lương thực, thực phẩm; các mặt hàng xăng dầu, khí hóa lỏng; mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; vận chuyển, kinh doanh gia súc gia cầm… Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết và bán theo giá niêm yết; đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ; việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm; hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Tại các huyện, thành, thị, Đội Quản lý thị trường cũng đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện thành lập các đội kiểm tra liên ngành; tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn các huyện được phân công phụ trách. Ông Nguyễn Lưu Tuyến, Quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, quản lý địa bàn 2 huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai cho biết: Chỉ tính trong 24 ngày đầu tháng 1, Đội đã xử lý 35 vụ, với số tiền xử phạt trên 50 triệu đồng, trong đó có 1 vụ hàng cấm (20kg pháo); 1 vụ hàng lậu, 6 vụ hàng giả, 14 vụ nhãn hàng hóa, 10 vụ về giá và 3 vụ vi phạm khác.

Ngoài ra, Đội cũng đang trình cấp thẩm quyền xử lý 2 vụ, trong đó có 1 vụ bắt giữ 1,772m3 gỗ nghiến xẻ nhóm A2, đang trình Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng và 1 vụ đang tạm giữ gần 1.000 đôi giày, dép các loại nghi hàng giả, hàng lậu. Việc kiểm tra tại địa bàn được chia thành 2 giai đoạn: Từ 1 đến 15 tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch) sẽ tập trung kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh lớn; còn từ ngày 15 đến 30 Tết, tập trung kiểm tra tại các cơ sở bán lẻ, các chợ phiên, vùng sâu, vùng xa. Cũng theo ông Nguyễn Lưu Tuyến, qua kiểm tra cho thấy, số lượng vi phạm năm nay có phần giảm hơn so với năm trước, nhưng tính chất vi phạm tinh vi hơn, với thủ đoạn hoạt động vận chuyển chia nhỏ lẻ, khiến việc kiểm tra bắt giữ gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các địa phương đã kiểm tra 159 vụ, trong đó có 3 vụ vi phạm hàng cấm, 28 vụ vi phạm hàng lậu, 23 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, 35 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng; 11 vụ an toàn thực phẩm, 59 vụ vi phạm khác. Tổng số tiền xử lý vi phạm trên 524 triệu đồng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhìn chung, giá cả các mặt hàng phục vụ Tết năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như thời gian trước Tết. Tại các siêu thị, cửa hàng lớn, hàng hóa được chuẩn bị khá dồi dào nên sẽ không xảy ra việc đẩy giá, thổi giá. Và đây cũng là cung cấp hàng hóa mà theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân có thể yên tâm khi mua sắm. Còn tại những cửa hàng nhỏ lẻ, đặc biệt là các chợ, tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng nhái thương hiệu… vẫn còn, thậm chí nhiều cửa hàng, quầy hàng bày bán khá công khai, kể cả tại chợ Thái nằm ở trung tâm T.P Thái Nguyên.

Đối với địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, với địa bàn rộng, lực lượng thực thi công việc có hạn, trong khi người dân lại chưa chú ý nhiều đến chất lượng mà mới chỉ để ý đến giá cả, càng khiến nhiều đối tượng lợi dụng để tiêu thụ hàng hóa không đảm bảo an toàn và đúng quy định. Nhiều người thậm chí biết đó là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc nhưng vẫn vô tư mua - bán.

Trước thực trạng này, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, nhận biết cho người dân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, từ đó tẩy chay đối với các sản phẩm không đảm bảo, cũng như đối với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp, nhà phân phối trong việc đưa hàng hóa về nông thôn trong dịp cuối năm này để người dân có thêm địa chỉ yên tâm khi sắm Tết.

Trong khi Cục Quản lý thị trường tỉnh chưa thiết lập được đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì nếu phát hiện các vi phạm, người dân có thể gọi theo số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia: 0981.389.389 hoặc 0961.389.389 vào bất kể thời gian nào trong ngày.