Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG được đánh giá và công nhận là Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam - lĩnh vực sản xuất, đồng thời vinh dự đạt thêm giải thưởng 3 năm liền nằm trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam - do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Chúng tôi vô cùng tự hào khi được vinh danh là doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam năm thứ ba liên tiếp. Đây vừa là một vinh dự lớn lao đồng thời cũng là thách thức đặt ra trong việc duy trì thành tích này và tiếp tục nỗ lực hoạt động bền vững hơn nữa”. Có thể nói việc được công nhận 3 năm liền đạt Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững cũng là minh chứng cho những cam kết, nỗ lực không ngừng nghỉ của TNG trên cả 3 trụ cột bền vững: phát triển kinh tế, cộng đồng xã hội và môi trường.
Xuyên suốt hành trình gần 40 năm hoạt động của TNG, phát triển bền vững là chiến lược được thực hiện nhất quán, bao trùm không gian và thời gian của Công ty. Với mục tiêu: Trở thành doanh nghiệp may xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, từng bước đưa thương hiệu hàng dệt may Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới nên trong hàng chục năm qua, bằng những nỗ lực của tập thể người lao động TNG và sự nhạy bén trong định hướng, chiến lược cụ thể phù hợp với bối cảnh thực tế, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã đạt được những thành tựu quan trọng như: mục tiêu tăng trưởng doanh thu vượt kế hoạch năm, mang lại giá trị lợi nhuận cho cổ đông, cải thiện nguồn thu nhập cho người lao động, đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với trách nhiệm cao nhất, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương, cộng đồng và xã hội.
TNG hiện có 13 chi nhánh may, trên 40 cửa hàng thời trang, đại lý trên khắp cả nước và 1 Văn phòng đại diện tại New York City - USA. Riêng năm 2018, TNG đạt tổng doanh thu 3.500 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 175 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 101 tỷ đồng. Bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế "khỏe mạnh", TNG cũng có nhiều nỗ lực quan tâm, chăm sóc cho hơn 11 nghìn người lao động, để duy trì và phát triển lâu dài nguồn lực lao động. Cũng trong gần 40 năm qua, "những chiến binh thầm lặng" TNG còn luôn thực hiện thường niên và tích cực các trách nhiệm với cộng đồng - xã hội. Bên cạnh việc chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công nhân lao động trong Công ty, TNG đã tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo… với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Với những thay đổi xoay vần của thị trường dệt may quốc tế, TNG đã và đang nghiên cứu, từng bước áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững đã được công nhận, xây dựng dự án nhà máy xanh như là một tuyên bố về việc TNG sẵn sàng tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại tận dụng các cơ hội hợp tác với các khách hàng mới trong bối cảnh sức ép mở rộng thị trường của ngành dệt may khi không có Hoa Kỳ trong TPP. Trong năm 2017-2018, TNG đã có những chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng dự án nhà máy xanh, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2019-2020. Theo đó, hướng tới tiêu chuẩn Leed, TNG sẽ xây dựng nhà máy xanh với các tiêu chí: Tiết kiệm năng lượng; tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn nước; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng hệ sinh thái xanh; quản lý chất thải và ô nhiễm; trang bị tiện nghi và đảm bảo sức khỏe cho người lao động; quản lý môi trường…
Định hướng chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của TNG là chuyển dần từ sản xuất gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới sang sản xuất và phân phối tiêu thụ bằng sản phẩm mang thương hiệu thời trang TNG. Để thực hiện chiến lược bền vững này, TNG đã xây dựng lộ trình cụ thể cho phù hợp với từng thời điểm, trong đó may mặc giữ vai trò chủ đạo, từng bước đầu tư kinh doanh thêm các ngành sản xuất, kinh doanh mới, trước hết để phục vụ trực tiếp cho hàng may mặc là giặt, bao bì, in, thêu… Thị trường xuất khẩu vẫn là chính, tăng dần tỷ lệ doanh thu hàng nội địa lên 10-15% đến hết năm 2018, cân bằng giữa các thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước Mỹ, tiếp cận và khai thác thị trường Nhật Bản.
Việc mở rộng sản xuất kinh doanh được TNG cụ thể hóa bằng việc đầu tư mở rộng các nhà máy sản xuất hàng may mặc trên địa bản tỉnh. Trong chiến lược phát triển 2015-2020, TNG đã và sẽ đầu tư xây dựng mới những cái tên như TNG Phú Lương, TNG Võ Nhai với tổng vốn lên tới 1.460 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó TNG tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm các sản phẩm phụ trợ ngành may như sản phẩm bông, bao bì và phụ liệu may, nhà ở xã hội cho công nhân và cụm công nghiệp nhỏ phục vụ cho xây dựng nhà máy và kinh doanh thêm hạ tầng cụm công nghiệp...