Một ngày giáp Tết, cho xe ô tô chạy xuôi đường Cách mạng tháng Tám, chúng tôi đến Làng nghề trồng hoa đào Cam Giá, thuộc phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên). Mới sáng sớm, nhưng đường vào làng hoa khá nhộn nhịp, những chiếc xe thùng chất đầy cành đào đem đi các nơi bán, nhiều người dân có thú chơi hoa, cây cảnh cũng lái những chiếc xe sang đến đây để ngắm, chọn đặt những cây đào ưng ý về chơi Tết.
Từ triền đê cao nhìn xuống, làng trồng đào tràn ngập trong sắc đỏ, lấp ló trong các vườn đào là những ngôi biệt thự sang trọng, đắt tiền.Vào thời điểm này, người trồng đào bận lắm!. Đang cùng người nhà khoanh gốc đào cổ chuyển lên xe cho khách, anh Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hội trồng hoa đào Cam Giá cho chúng tôi biết: Vườn đào nhà tôi có 250 cây, mấy năm gần đây đều cho thu nhập từ 600 triệu đến 700 triệu đồng/năm. Nếu tính cả làng (trên 200 hộ trồng đào) mỗi năm thu nhập khoảng 10 đến 12 tỷ đồng.
Rời Làng nghề hoa đào Cam Giá, chúng tôi cho xe chạy xuôi tuyến đường dọc con sông Đào về xã Đồng Liên.Trước kia Đồng Liên thuộc huyện Phú Bình, mới được sáp nhập về T.P Thái Nguyên. Đồng chí Nguyễn Trọng Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã gác lại công việc tranh thủ dẫn chúng tôi đến thăm một số mô hình phát triển nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn. Vào mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi của gia đình ông Lưu Văn Cát, xóm Thùng Ong, đã quá giờ trưa, nhưng vợ chồng ông vẫn mải mê hái táo giao cho khách. Ông Cát cho biết: Gia đình ông trồng hơn 1.000 cây ăn quả gồm: bưởi Diễn, thanh long, táo Xuân. Thời điểm này, bưởi, thanh long đã bán hết quả, táo đang được thu hái, chưa kịp tính toán, nhưng vườn quả năm nay cũng sẽ thu về trên 100 triệu đồng. Đồng chí Luyện cho chúng tôi biết thêm: Hiện, xã Đồng Liên đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bước đầu liên kết giữa việc sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: mô hình cánh đồng một giống (diện tích 68ha); cánh đồng hoa chất lượng cao khoảng 4 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung khoảng 10 ha. Đặc biệt, xã đã thành lập tổ hợp tác với trên 40 hộ chăn nuôi gà đồi thương phẩm tại các xóm Thùng Ong, xóm Bo, Đồng Cão. Từ một xã nghèo, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 10 triệu đồng/người/ năm, đến nay bình quân người dân có mức thu nhập 46 triệu đồng/người/năm.
Buổi chiều, chúng tôi thong thả đến vùng chè Tân Cương. Từng đồi chè như những chiếc bát úp, dưới làn mưa xuân, búp chè vươn xanh mơn mởn thôi thúc tay người hái. Chúng tôi nghe rất rõ tiếng lách cách của những giàn máy sao chè, vò chè… chạy hết công suất tại các cơ sở chế biến chè phát ra. Ông Đỗ Văn Đoàn, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương cho hay: Hiện nay đang là thời gian cao điểm sản xuất chè cung cấp cho khách hàng dịp Tết.
Trên đường vào các làng nghề chè chúng tôi liên tục bắt gặp những chiếc xe ô tô chở chè mang ra ngoài Thành phố bán. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, vùng chè Tân Cương gồm 4 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quyết Thắng, với diện tích trồng chè hiện nay khoảng 1.500 ha. Những năm gần đây người dân trồng chè đã biết liên kết để tạo ra sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn, chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2018, các hợp tác xã, làng nghề chè truyền thống Tân Cương đã sản xuất được trên 22.000 tấn chè tươi (tương đương với 4.900 tấn chè búp khô), mang lại nguồn thu nhập đáng kêt cho người dân làm chè. Không những thế, người dân vùng chè còn biết khai thác cảnh đẹp thiên nhiên vùng chè để làm du lịch.
Chiều cuối năm, khi khói lam chiều bảng lảng trên những đồi chè Tân Cương, cũng là lúc chúng tôi kết thúc một ngày đến với các xã vùng ven. Dù mệt, nhưng chúng tôi ai nấy đều rất vui khi được chứng kiến thành quả lao động của nông dân. Càng vui hơn, khi chúng tôi được biết: Trong năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt 2.000 tỷ đồng (tăng 5,32% so với cùng kỳ); sản lượng lương thực có hạt đạt 41.850 tấn (tăng 3.850 tấn) so với kế hoạch đề ra; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt (theo giá thực tế) ước đạt 120 triệu đồng, tăng 5 triệu/ha so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người của các xã khu vực nông thôn hiện đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.