Minh Lập là một trong những xã về đích nông thôn mới (NTM) trong tốp đầu tiên của huyện Đồng Hỷ. Sau khi đạt chuẩn NTM, xã tiếp tục được huyện lựa chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2017-2020. Hiện nay, địa phương đang dồn lực để hoàn hiện các tiêu chí.
Ông Nguyễn Quốc Lập, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lập cho biết: Qua rà soát, đến nay, xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM kiểu mẫu, 6 tiêu chí còn lại, gồm: Quy hoạch, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất. Đây đều là những tiêu chí khó vì yêu cầu của các tiêu chí đòi hỏi khá cao. Cụ thể như, với tiêu chí hộ nghèo, yêu cầu phải không còn hộ nghèo, trừ những hộ trong diện bảo trợ (trước đây, tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều phải nhỏ hơn hoặc bằng 6%). Hay như tiêu chí tổ chức sản xuất, trước đây quy định có hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả với doanh thu bằng hoặc lớn hơn 3 tỷ đồng/năm, trong khi đó hiện nay, quy định phải có ít nhất từ 2 HTX trở lên liên kết làm ăn có hiệu quả...
Với tiêu chí hộ nghèo, hiện nay, xã Minh Lập còn 2,76%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong diện bảo trợ khoảng 1,3%. Như vậy, xã sẽ phải giảm hơn 1,4% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương với trên 100 hộ. Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, những hộ nghèo còn lại là những hộ khó thoát nghèo, thường là những gia đình ở diện tuổi già, hộ sống đơn thân hoặc những gia đình có đông con ăn học... Mặc dù vậy, xã Minh Lập đang triển khai nhiều giải pháp để giúp các hộ thoát nghèo như: Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tín chấp giúp bà con vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế; ưu tiên hỗ trợ cây, con giống; triển khai các mô hình kinh tế mới... Theo kế hoạch, xã sẽ phấn đấu hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong năm 2020.
Y tế cũng là tiêu chí mà Minh Lập cho là khó và đang ưu tiên thực hiện trước. Bởi lẽ, đến hết năm 2018, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, thay vào đó là sẽ phải tự bỏ tiền để mua. Với xã Minh Lập, tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, chiếm ¼ tổng số dân với khoảng 2.000 nhân khẩu (chủ yếu là dân tộc Sán Dìu và Tày).
Do đó, để vận động người dân tự nguyện bỏ tiền mua bảo hiểm y tế sẽ là không dễ thực hiện. Trong khi đó, yêu cầu của tiêu chí y tế này là tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế phải đạt từ 95% trở lên. Để đạt được tiêu chí này, giải pháp của xã Minh Lập đang triển khai là giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã chủ trì phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể khác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Nhờ đó, trong khoảng 2.000 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số, qua quá trình tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, xóm, từ tháng 12-2018 đến nay, đã có 900 nhân khẩu tự nguyện nộp tiền tham gia bảo hiểm y tế.
Bà Lý Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Lập cho biết: Riêng với Hội LHPN, chúng tôi đã chỉ đạo các chi hội tuyên truyền tới các hội viên của mình. Ngoài ra, còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... tuyên truyền tới các hội viên của mình để họ tự nguyện tham gia. Thuận lợi với chúng tôi là vừa qua bảo hiểm có chính sách ưu tiên đối với những người có thời gian tham gia bảo hiểm 5 năm liên tục, do đó, nhiều người dân đã đồng ý tham gia trước thời điểm bảo hiểm hết hạn của năm 2018. Đến hết quý I năm 2019, nếu bà con tiếp tục nộp bảo hiểm dù quá thời gian quy định nhưng cũng vẫn được tính và hưởng quyền lợi như những người đã nộp cuối năm 2018 vừa qua. Chính vì vậy, hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con để vừa giúp họ được hưởng ưu đãi, vừa giúp địa phương hoàn thành được tiêu chí y tế.
Các tiêu chí như: Môi trường và an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất văn hóa, tổ chức sản xuất, quy hoạch cũng đang được xã Minh Lập từng bước triển khai thực hiện. Riêng ở tiêu chí tổ chức sản xuất, xã đang xây dựng kế hoạch liên kết các hộ trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh chè để thành lập các tổ hợp tác, HTX có quy mô lớn. Ngoài ra, xã cũng sẽ liên kết các hộ chăn nuôi gà, lợn trên địa bàn thành lập các tổ, nhóm nhằm tạo sự gắn kết chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hướng tới sự phát triển bền vững. Với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, xã Minh Lập cũng đã phân công cụ thể, gắn trách nhiệm tới từng tổ chức hội, đoàn thể để cùng chung sức thực hiện, đồng thời có đánh giá, khen thưởng hoặc phê bình vào giữa và cuối mỗi năm với từng tổ chức hội, đoàn thể...