Có rất nhiều cách làm giàu nhưng đối với những thanh niên giàu nghị lực, ngoài chăm chỉ, nỗ lực thì phải biết tận dụng thời cơ và mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm. Ngày Xuân, nghe những câu chuyện làm giàu càng cảm nhận rõ hơn sự quyết tâm và khát vọng vươn lên của những nông dân trẻ.
Những ngày giáp Tết, tôi có dịp hòa mình vào phiên chợ cuối năm tại xã Tràng Xá (Võ Nhai). Chợ đông vui, tấp nập, rộn rã tiếng người mua bán, trao đổi như xua tan cái lạnh lẽo của núi rừng. Ghé thăm gian hàng bán quất cảnh của anh Lương Văn Dương, tôi tình cờ biết được câu chuyện làm giàu của chàng trai trẻ trên mảnh đất vùng cao này. Mặt trời đứng bóng, chợ cũng vãn người, anh Dương mời chúng tôi về thăm nhà tại xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá. Bên tách trà thơm nóng ngày cuối năm, anh Dương kể về quá trình lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, học hết phổ thông, anh phải gác lại ước mơ nơi giảng đường đại học để đi làm ăn phụ giúp kinh tế gia đình. Nhiều năm bôn ba, lăn lộn với việc buôn gạo tại các tỉnh, thành, cuối cùng, anh quyết định quay trở về nơi quê nhà lập nghiệp. Cũng bởi khi đó, 4 chị gái của Dương đều đã lập gia đình riêng, anh muốn ở gần để tiện chăm sóc cha mẹ già.
Năm 2008, trong một lần về thăm họ hàng tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), anh nhận thấy giống bưởi Diễn ở đây dễ trồng, cho thu nhập cao. Vả lại, tại vườn cây của gia đình, bố mẹ anh đã từng trồng hơn 20 cây bưởi Diễn ngay lối vào từ khi anh mới 5 tuổi nên cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó với giống cây này từ nhỏ. Tuy nhiên kinh tế gia đình lúc đó chỉ tập trung vào trồng ngô, trồng sắn nên chưa chú trọng mở rộng. Anh nhận ra rằng, nếu áp dụng đúng khoa học kỹ thuật như người dân nơi đây, bưởi Diễn sẽ cho thu nhập kinh tế cao. Suốt mấy tháng trời ròng rã ở Văn Giang, anh bắt tay vào học hỏi kinh nghiệm, từ cách ươm cây giống đến cách chăm sóc cây, thu hoạch quả.
Với chút vốn tích lũy được từ khi buôn gạo, anh mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 mẫu đất trồng ngô, sắn sang trồng bưởi Diễn và cam Vinh. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều cây mắc bệnh và chết dần. Không nản chí, anh chặt bỏ những gốc cây hỏng, tiếp tục mua cây giống mới thay thế. Rồi vừa trồng, anh vừa tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng cam, bưởi trên sách, báo, ti vi. Nhờ đó, sau nhiều năm vất vả chăm sóc, vườn cây đã lên xanh tốt, cho quả sai trĩu cành. Hơn chục năm gắn bó với vườn cây đã đem lại thành quả, hiện, gia đình anh trồng hơn 400 cây bưởi Diễn, 150 gốc cam Vinh, cho thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng.
Trong đó, bưởi Diễn là nguồn thu nhập chính. Thành công đến nhờ sự chăm chỉ, mạnh dạn đầu tư, nhưng anh cũng băn khoăn rằng, khó khăn có thể nhiều, khi bà con trong vùng đã trồng đại trà. Nhưng anh vẫn muốn mở rộng diện tích, bởi anh tin tưởng, nếu đảm bảo chất lượng, người mua vẫn sẽ tìm đến mình. Bởi thế, dịp Tết năm nào vườn bưởi của gia đình cũng bán hết sớm. Còn thời gian, anh tranh thủ nhập quất cảnh về bán. Anh bảo: “Mình còn trẻ nên tư duy phải năng động, nắm bắt được nhu cầu thị trường tùy từng thời điểm. Và điều quan trọng nhất là sự nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ”.
Cùng quan điểm như Dương, anh Đinh Văn Tuấn, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) cũng mạnh dạn bỏ nghề kinh doanh điện thoại khi thị trường đã bão hòa để về quê làm nông nghiệp. Trước đây, anh là một trong những người tiên phong đầu tư vào mảng smartphone tại thị trấn Đu (Phú Lương). Giai đoạn đó, việc kinh doanh mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập cao. Sau nhiều năm, nhiều cửa hàng điện thoại “mọc” lên, thị trường này cũng bão hòa vì người dân đã được “phổ cập” smartphone, nên thu nhập chỉ ở mức trung bình. Anh nghĩ, muốn làm phải chuyển hướng sang lĩnh vực khác. Sẵn có đất tại quê nhà do bố mẹ để lại, đầu năm 2017, anh quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng thuê máy móc, nhân công để khai hoang 3ha đất xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Điều đặc biệt, mô hình kinh tế của gia đình được thực hiện theo hình thức chăn nuôi hữu cơ nên có thị trường tiêu thụ tốt. Hiện, với quy mô trên 2.000 con gà thương phẩm (giống di lai) và gà đẻ trứng (giống Ai Cập), 13 con bò sinh sản, 2 ao thả cá (mỗi ao 1 ha)… mỗi năm, trang trại của gia đình cho thu lãi trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi chó cảnh, giống chó Alaska thuần chủng. Dịp Tết này, anh vừa xuất chuồng 15 chú chó con, với giá bán 10-15 triệu đồng/con. Anh chia sẻ: “Theo mình, với những người trẻ, điều quan trọng nhất là được làm công việc mình yêu thích và thực sự đam mê. Bên cạnh đó cũng cần tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện và biết tận dụng điều kiện, lợi thế mình đang có”. Nhìn nét mặt phấn khởi của anh khi kể chuyện làm kinh tế cũng như quyết định đúng đắn khi về quê lập nghiệp trên mảnh đất quê nhà, tôi thầm cảm phục chàng trai trẻ có chí thú làm ăn này.
Đinh Văn Tuấn và Lương Văn Dương chỉ là 2 trong hàng trăm nhà nông trẻ giàu nghị lực, chăm chỉ, biết nắm bắt thời cơ, tận dụng điều kiện, lợi thế sẵn có để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Những ngày sắc Xuân đang ngập tràn, có dịp trò chuyện với những họ mới thấy hết ý chí vươn lên làm giàu chính đáng của những thanh niên này, tôi tin rằng với sự cần cù, chịu khó cùng với sự lạc quan, không bằng lòng với hiện tại thì dự định làm giàu của họ chắc chắn sẽ không khó.