14% là mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng cho các NH thương mại trong năm 2019. Mức tăng trưởng này tuy thấp hơn những năm trước nhưng nếu so với kết quả thực hiện năm 2018 là 9,28% của hệ thống NH trên địa bàn tỉnh thì lại cao hơn khá nhiều. Vậy, các NH nhìn nhận về chỉ tiêu này như thế nào và những giải pháp gì sẽ được triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch đề ra?
Từ thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH trên địa bàn tỉnh trong năm qua đạt mức không cao. Trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp (DN) lớn gặp khó khăn trong hoạt động nên có DN không những không mở rộng mà còn thu hẹp sản xuất, kinh doanh, vì thế không có nhu cầu tăng vốn hoặc bị NH giảm hạn mức cho vay. Nếu nhìn nhận ở góc độ tổng thể, hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn trong năm 2018 vẫn có sự tăng trưởng, phát triển so với năm 2017 nhưng lại chủ yếu thuộc về khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi đó các DN này lại rất ít vay vốn của NH trong nước, mà chủ yếu vay từ NH nước họ hoặc do tập đoàn, công ty mẹ rót vốn.
Còn các DN trong nước (với 97-98% có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực quản trị, tiếp cận thị trường, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…) thì chỉ có một tỷ lệ nhỏ tăng được về quy mô, còn lại cơ bản giữ nguyên, thậm chí là thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu vay vốn tín dụng khá hạn chế. Cũng chính vì vậy, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH là trên 9% nhưng trên thực tế một số chi nhánh NH lại có mức tăng trưởng âm hoặc tăng không đáng kể.
Theo đánh giá, nhận định của một số chuyên gia kinh tế, năm 2019 sẽ tiếp tục là năm mà các NH trên địa bàn tỉnh không dễ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mặc dù sau Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018 đã có rất nhiều DN đăng ký đầu tư dự án vào tỉnh với tổng số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là do với những quy định hiện nay về thủ tục pháp lý thì dù làm rất tích cực, nhà đầu tư cũng cần ít nhất 2 năm để hoàn thiện hồ sơ, từ đó mới có thể tiếp cận được với nguồn vốn NH. Trước thực tế này, các NH đã đề ra những giải pháp nào để tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm nay?
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Năm nay, BIDV giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh là 13%. Đối với Chi nhánh Thái Nguyên, so với kết quả thực hiện của nhiều năm qua thì đây không phải là chỉ tiêu quá cao nhưng cũng không dễ hoàn thành bởi dư nợ tuyệt đối tính đến cuối năm 2018 đạt xấp xỉ 9,9 nghìn tỷ đồng. Điều này có nghĩa, năm nay, Chi nhánh sẽ phải tăng thêm khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, theo định hướng phát triển của BIDV thì tỷ trọng cho vay đối với DN lớn sẽ tiếp tục giảm, với mức tối thiểu là 3% trong tổng dư nợ (từ 42% cuối năm 2018 xuống còn 39%, tỷ lệ này năm 2017 là 45,3%), để từ đó tăng tỷ trọng cho vay đối với khách hàng cá nhân, hoặc DN nhỏ, siêu nhỏ.
Theo đó, nhiều giải pháp sẽ được BIDV Thái Nguyên tập trung thực hiện, đó là: Đẩy mạnh ưu tiên phát triển NH số trên tất cả các quy trình, sản phẩm, kênh phân phối tín dụng (ứng dụng công nghệ 4.0), nhằm đảm bảo các quy trình chạy nhanh hơn, tạo bứt phá trong hoạt động. Quyết liệt trong xử lý nợ xấu, nợ cơ cấu, nợ có vấn đề. Hiện, tất cả các khoản nợ đều đã và đang được Chi nhánh rà soát chi tiết, cụ thể (gồm hơn 90 tỷ đồng bao gồm cả nợ nội bảng và ngoại bảng). Đa dạng hóa nền khách hàng theo hướng giảm dần tỷ trọng khách hàng lớn, để tập trung cho vay khách hàng nhỏ, nhằm giảm thiểu rủi ro. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là tăng cường thanh, kiểm tra thực tại DN, khách hàng vay và đẩy mạnh thu từ các hoạt động dịch vụ.
Đối với NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Thái Nguyên, theo ông Trần Thùy Dương, Giám đốc Chi nhánh thì với dư nợ 2.500 tỷ đồng cuối năm 2018, đơn vị sẽ phải tăng lên là 3.300 tỷ đồng, tương ứng trên 30% vào cuối năm nay. Đây được xem là nhiệm vụ không đơn giản. Vì thế, với định hướng ưu tiên cho vay 5 đối tượng thuộc nhóm ưu tiên của Chính phủ, giảm tỷ trọng cho vay khách hàng bán buôn, ưu tiên khách hàng bán lẻ, hạn chế cho vay bất động sản…, ngay từ đầu năm, Chi nhánh đã giao chỉ tiêu đến từng bộ phận, phòng giao dịch; chú trọng việc sàng lọc khách hàng để có được nền khách hàng tốt nhất. Cùng với đó, sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đến công tác đào tạo để mỗi cán bộ đều đáp ứng tốt đòi hỏi ngày càng cao của công việc cũng như của khách hàng.
Ở góc độ chung toàn ngành, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Bên cạnh việc triển khai kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, văn bản chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, cũng như của tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung, thì hệ thống NH trên địa bàn tỉnh cũng sẽ dành nhiều quan tâm đến xử lý nợ xấu; thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm, giúp ổn định hoạt động của NH. Đặc biệt, trước thực trạng tín dụng “đen” đang ngày càng hoạt động công khai, tinh vi, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân và trật tự an toàn xã hội, ngành NH sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các gói tín dụng phù hợp, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng, thuận lợi nhất. Với dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính đến cuối năm 2018 là 50.467 tỷ đồng, thì năm nay, số dư nợ sẽ tăng thêm sẽ khoảng 7 nghìn tỷ đồng.
Từ thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng giờ không còn là 1 trong 2 nguồn lợi chính trong hoạt động của các NH, mà thay vào đó là các sản phẩm từ dịch vụ. Vì thế, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không còn được nhiều NH quá coi trọng cũng như phải thực hiện bằng mọi giá. Chính điều này đang và sẽ là yếu tố quan trọng để hoạt động của các NH trở nên minh bạch hơn, cũng như tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, nhưng lành mạnh hơn để thu hút khách hàng. Trong bối cảnh này, chỉ có những khách hàng thực sự đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì mới có khả năng tiếp cận được nguồn vốn. Do vậy, ngay từ lúc này, người vay, đặc biệt là DN, phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc hoạt động của mình, phải thực sự coi trọng tính minh bạch và hiệu quả, quan tâm hơn đến công tác quản trị nếu không muốn bị NH giảm hạn mức, hoặc cao hơn là từ chối cho vay trong quá trình cơ cấu lại nền khách hàng.