Trong khuôn khổ bài báo, thật khó để kể hết những công trình, những thành quả có được từ Chương trình mang tên 135 trên mảnh đất Thái Nguyên. Chúng tôi chỉ biết, sau gần 2 thập kỷ đồng hành cùng những vùng quê nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó, Chương trình 135 đã mang đến cho Thái Nguyên luồng sinh khí mới khi điện đã về thắp sáng những bản làng vùng cao; bao lớp học mới khang trang dựng lên trên nền đất cũ; nhiều cung đường đất nhầy nhụa bùn đất, lởm chởm đá tai mèo… đã được cứng hóa.
Mười năm trước, Trường Tiểu học xã Quân Chu (Đại Từ) được xây dựng 8 phòng học 2 tầng khang trang bằng nguồn vốn của Chương trình 135. Hiện nay, toàn bộ số phòng học vẫn đang phục vụ tốt cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh Nhà trường. Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết thêm: Nhờ có nguồn vốn của Chương trình 135, xã có điều kiện mở rộng, cứng hóa đường giao thông nông thôn; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất…
Không riêng gì Quân Chu, Yên Trạch (Phú Lương) cũng là địa phương có bước “chuyển mình” khi được hưởng lợi từ Chương trình 135. Cái được lớn nhất chính là từ thực hiện Chương trình này, nhận thức của người dân đã được nâng lên. Đơn cử như việc xây dựng các công trình thủy lợi. Trước đây, bà con cho rằng việc xây dựng kênh mương là của Nhà nước. Do đó, để người dân Yên trạch đóng góp vốn đối ứng cùng Nhà nước xây dựng kênh mương nội đồng là chuyện không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ sợ tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương, người dân đã “thông tỏ” và đóng góp kinh phí xây dựng các công trình thủy lợi rất nhiệt tình. Ba công trình thủy lợi ở các xóm Na Hiên N1-2; Na Hiên N2-1 và công trình kênh mương Na Pháng, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng hoàn thành gần năm về trước và đang phát huy hiệu quả chính là minh chứng cho sự thành công của Chương trình 135 nơi mảnh đất miền núi này.
Bà Lý Kim Cúc, xóm Na Hiên, Yên Trạch cho hay: Các công trình này đang bảo đảm nước tưới cho gần 70 ha lúa hai vụ trong xã, tăng gần 10 ha so với trước khi có công trình. Có nguồn nước tưới ổn định, năng suất lúa trong xã cũng tăng cao hơn. Giờ, mỗi sào cũng thu trên 2 tạ thóc, cao hơn trước 30 đến 50 kg/sào nên nhà nào cũng đủ ăn.
Cũng nhờ Chương trình 135, nhiều năm qua, xã Yên Trạch còn có hàng nghìn lượt người được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất để mua máy bơm nước, máy chế biến chè, giống cây trồng, giống vật nuôi; được thực hiện nhiều mô hình sản xuất giống cây, con mới. Từ các mô hình sản xuất này (lúa giống mới, ngô lai, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm)... người dân đã nâng cao trình độ canh tác nên sản xuất đạt hiệu quả cao hơn...
Cũng giống như Quân Chu, Yên Trạch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 63 xã được hưởng lợi từ Chương trình 135. Thực tế ở cơ sở đã minh chứng, thông qua thực hiện Chương trình 135, kết cấu hạ tầng ở những vùng còn gian khó của Thái Nguyên đã dần được hoàn thiện; đời sống của người dân được cải thiện.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Cái được thứ nhất ở Chương trình 135 là người dân đã chuyển đổi được tập quán canh tác, từ sản xuất phụ thuộc tự nhiên sang sản xuất chủ động, như về thời vụ, giống cây trồng, phân bón, đặc biệt là nước tưới... Theo đó, hệ thống trạm y tế, trường học, đường giao thông, điện… ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng khó khăn phát triển. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỉnh ta được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để thực hiện Chương trình 135 (trong đó có kinh phí của trung ương và phần đối ứng của tỉnh). Riêng năm 2019, vốn đầu tư cho Chương trình này trên địa bàn tỉnh là gần 112 tỷ đồng.
Luôn đầu tư các công trình đúng mục đích, đạt hiệu quả, đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng được trên 360 công trình (trường học, đường giao thông, thủy lợi, điện, trạm y tế, nước sinh hoạt). Ngoài ra, tỉnh cũng đã mở được 60 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 5.000 học viên tham gia. Trong phát triển sản xuất và chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, tỉnh cũng đã hỗ trợ được 25 nghìn hộ dân; xây dựng được 24 mô hình sản xuất hiệu quả; thực hiện duy tuy, bảo dưỡng 150 công trình sau khi xây dựng.
Dù đã được những kết quả tích cực nhưng thời gian qua, việc thực hiện Chương trình vẫn còn gặp không ít trở ngại do việc phân bổ nguồn vốn chưa thật sự kịp thời; còn thiếu cơ chế khuyến khích với những địa phương làm tốt... Bởi vậy, trong những năm tiếp theo, các cấp, ngành chức năng từ trung ương đến địa phương nên cấp vốn kịp thời hơn so với trước. Đồng thời có sự phối hợp đồng bộ trong đề xuất, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn từ trung ương về việc lồng ghép các nguồn vốn cùng thực hiện trên địa bàn xã…