Gà an toàn gặp khó đầu ra

10:50, 11/03/2019

Với mục đích cung ứng ra thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn, năm 2015, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại An Khang, ở xóm Cà Phê 2, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã được thành lập và sau đó được công nhận chăn nuôi gà an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm chăn nuôi an toàn nên những năm đầu mới thành lập, việc xuất bán gà của HTX khá thuận lợi. Nhưng hiện nay, việc tiêu thụ dù gà đã đến tuổi xuất bán lại đang gặp khó khăn.

HTX Nông nghiệp Thương mại An Khang hiện có 8 thành viên, đều được cơ quan có thẩm quyền công nhận chăn nuôi gà an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo các thành viên của HTX, chăn nuôi gà an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình rất khắt khe. Người chăn nuôi phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nước, thức ăn cho vật nuôi phải đảm bảo theo quy định, đồng thời thường xuyên cập nhật các thông tin vào bảng kế hoạch định mức thống kê chăn nuôi (từ việc ngày nhập gà, số lượng, ngày chăn, mức chăn, ngày tiêm thuốc, vắc xin...).

Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX ký kết được nhiều đơn hàng tiêu thụ với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ở Hà Nội. Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường Hà Nội từ 250-300 tấn gà thương phẩm, doanh thu trên 15 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay, gà đã đến tuổi xuất bán nhưng vẫn chưa tiêu thụ được.

Anh Nguyễn Hữu Tráng, thành viên HTX cho biết: Gia đình đang có 4.000 con gà được 120 ngày tuổi chưa có người mua. Thời điểm này, gà tăng cân chậm mà mức tiêu thụ thức ăn vẫn bình thường. Trung bình 4.000 con gà mỗi ngày ăn hết lượng thức ăn có trị giá khoảng 4,5 triệu đồng. Nếu cứ kéo dài tuổi gà, gia đình sẽ bị lỗ lớn. Còn anh Nguyễn Thế Mừng, một thành viên của HTX cho biết: Hiện nay, gia đình tôi còn hơn 3.000 con gà đã được 120 ngày tuổi nhưng chưa bán được. Kể từ ngày tôi chăn nuôi gà an toàn, đây là lần đầu tiên gà đến tuổi xuất bán mà khó tiêu thụ.

Theo các thành viên của HTX, các đơn vị thường xuyên mua hàng của HTX thông tin: Gà chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP có giá cao, thường cung cấp cho siêu thị, nhà hàng. Nhưng thời điểm này, các đơn vị đó lại dừng mua hàng vì sức mua của thị trường giảm. Trước tình hình trên, các thành viên HTX đã đi tìm các đầu mối khác để tiêu thụ gà nhưng giá thu mua quá thấp, không bảo đảm lợi nhuận.

Anh Nguyễn Minh Khang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại An Khang cho biết: Vừa qua, có doanh nghiệp làm việc với HTX để mua gà an toàn. Tuy nhiên, khi biết giá gà của HTX cao hơn loại gà họ thường mua từ 10-15 nghìn đồng/kg nên họ lại từ chối. Trên thực tế, nếu chúng tôi bán gà an toàn bằng với giá gà thông thường thì sẽ có nhiều đơn vị, cá nhân đặt mua nhưng như vậy người chăn nuôi lại thua lỗ vì chi phí đầu tư cho gà an toàn lớn hơn, quy trình khắt khe hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: HTX Nông nghiệp Thương mại An Khang chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP nên giá cao hơn gà chăn nuôi thông thường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, gà thịt khó tiêu thụ là tình trạng chung của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện. Nguyên nhân chính là do thời điểm này lượng gà thịt đang nhiều hơn mọi năm mà nhu cầu loại thực phẩm này sau Tết Nguyên đán chưa cao, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và tăng cường quảng bá sản phẩm, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt cao, chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, nhất là gà thịt. Vì vậy, người chăn nuôi vẫn cần tích cực quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ và dự đoán nhu cầu thị trường để tránh tình trạng sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng cao nhưng mất giá.