Góp phần nâng cao giá trị chè trung du

17:19, 18/03/2019

Chè trung du là giống bản địa, góp phần làm nên thương hiệu chè Tân Cương. Thế nhưng, do được trồng từ vài chục năm trước nên hiện nay, nhiều diện tích chè trung du có hiện tượng thoái hóa, cùng với đó là xu hướng chuyển sang trồng các giống chè lai của người dân đã khiến diện tích chè trung du ngày một thu hẹp. Trước thực tế ấy, một số hộ dân ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã tìm cách bảo tồn, cải tạo, nâng cao giá trị chè trung du. Và, anh Nguyễn Thanh Dương, ở xóm Hồng Thái 2 là một trong những người dân như thế.

Cũng như nhiều hộ dân ở xã Tân Cương, gia đình anh Nguyễn Thanh Dương trồng chè trung du từ cách đây vài chục năm. Những năm qua, trong khi không ít người dân trong vùng phá bỏ bớt chè trung du để chuyển đổi sang giống chè lai mới, có năng suất cao hơn thì gia đình anh Dương vẫn duy trì vườn chè trung du được trồng từ năm 1998. Không chỉ có vậy, gia đình anh cũng là một trong những hộ dân đầu tiên ở Tân Cương trồng thử nghiệm chè trung du bằng phương pháp giâm cành. Hiện nay, sau hơn 3 năm chăm sóc, trên 1.000 gốc chè trung du trồng bằng cành trên diện tích hơn 2 sào đã cho năng suất ổn định với chất lượng tốt. Anh Nguyễn Thanh Dương cho biết: Mỗi giống chè đều có những ưu điểm riêng, song chè trung du vẫn những đặc điểm nổi trội như: Khả năng chống chịu sâu bệnh hại, chịu rét tốt, sinh trưởng mạnh, che phủ tốt, vị ngọt hậu… Các sản phẩm của cơ sở được chế biến từ chè trung du được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 6.000m2 chè trung du, cho nguồn thu trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Từ cơ sở sản xuất chè, giữa năm 2018, anh Dương quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) chè trung du Tân Cương do anh làm Giám đốc. Với 8 thành viên và 20 hộ dân liên kết, vùng sản xuất của HTX hiện đạt 20ha, trong đó, 80% diện tích đang được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và phần lớn đều là chè trung du. Thời điểm hiện tại, hoạt động của HTX được đánh giá là khá tốt khi các thành viên, hộ liên kết được HTX cung ứng đầy đủ các dịch vụ đầu vào như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, sản phẩm làm ra được HTX cam kết bao tiêu với giá luôn cao hơn giá thị trường. Chị Nguyễn Thị Hạnh, thành viên của HTX cho biết: Gia đình tôi hiện có 1.200m2 chè trung du được trồng cách đây hơn 40 năm. Tham gia vào HTX chúng tôi không phải lo lắng quá nhiều vì đã có HTX cam kết bao tiêu sản phẩm theo năm, toàn bộ thời gian chúng tôi tập trung vào chăm sóc, phát triển cây chè.

Năm 2018, HTX xuất bán ra thị trường trên 10 tấn chè búp khô các loại, năng suất bình quân đạt 16kg búp khô/sào/lứa. Các sản phẩm của HTX khá phong phú, trong đó có trà Tước Thiệt thượng hạng - loại trà được chế biến từ búp chè trung du lâu đời, được chăm sóc trên thổ nhưỡng tốt nhất, chè được hái một búp duy nhất vào buổi sáng sớm khi những búp chè còn ngậm sương mai. Cùng với các loại trà nói trên, trà trung du ướp các loại hoa như: Hoa hồng, hoa sen, hoa nhài… cũng là một trong những sản phẩm đặc biệt của HTX. Ngoài cung cấp sản phẩm cho thị trường trong tỉnh, sản phẩm của HTX hiện đã có mặt tại nhiều thị trường trên cả nước như: Hà Nội, Cần Thơ, Tây Ninh, Thanh Hóa… Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thúy An, Phó Giám đốc HTX cho hay: Chè trung du ướp hoa là ngon nhất bởi vị đậm đà, hương thơm dịu nhẹ của chè hòa quyện với hương hoa tạo nên thức uống thanh tao, hấp dẫn. Trung bình mỗi năm, chúng tôi sản xuất được khoảng 2 tạ trà hoa với giá từ 700 nghìn đồng cho tới 3,5 triệu đồng/kg (tùy loại).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài gia đình anh Nguyễn Thanh Dương, hiện nay ở Tân Cương đã có nhiều hộ dân quay trở lại cải tạo giống chè trung du hay trồng mới. Ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, cho biết: Tổng diện tích chè trên địa bàn xã hiện đạt 349,2ha, trong đó, chè trung du chiếm 35%. Xác định chè trung du có hương vị truyền thống được nhiều thế hệ ưa chuộng nên bên cạnh phát triển các giống chè lai mới, chính quyền địa phương cũng quan tâm, khuyến khích bảo tồn, cải tạo giống chè này. Về gia đình anh Nguyễn Thanh Dương, chúng tôi nhận thấy đây là một trong số những hộ dân tích cực bảo tồn, phát triển giống chè trung du. Việc thành lập HTX chè trung du Tân Cương cũng giúp nhiều người dân liên kết để sẻ chia kinh nghiệm, cách làm, góp phần hình thành vùng sản xuất chè trung du tập trung.