Những tín hiệu khởi sắc ở Nghinh Tường

08:00, 23/03/2019

Nhắc đến Nghinh Tường, nhiều người nghĩ ngay đến một xã vùng cao xa xôi, khó khăn bậc nhất ở huyện Võ Nhai. Đúng là Nghinh Tường còn nhiều khó khăn về giao thông, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn rất cao. Nhưng bằng nội lực và được sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương này đang từng ngày vươn lên, có những tín hiệu khởi sắc.

Hơn 30 năm làm cán bộ, công chức tại địa phương, ông Hà Chiến Thuật, Bí thư Đảng ủy xã Nghinh Tường là người hiểu rất rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng cũng như hạn chế của xã. Theo ông thì Nghinh Tường có diện tích rộng (gần 8.500ha) nhưng chủ yếu là đồi núi, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm phần lớn nên đất rừng sản xuất không nhiều. Còn đất canh tác nông nghiệp thì manh mún, đa phần bám dọc các triền suối, thung lũng, hệ thống thủy lợi còn yếu. Cùng với đó, hạ tầng giao thông ở địa phương mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của nhân dân, việc giao thương tại nhiều vùng còn rất khó khăn. Ngoài điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, “rào cản” lớn trên con đường phát triển của xã là dân trí còn thấp, tâm lý trông chờ, ỷ lại tuy đã giảm nhưng vẫn khá phổ biến. Xã có 99,9% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, xưa nay bà con vẫn quen với cách làm kiểu tự cung tự cấp, làm mỗi thứ một chút, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ để tự phục vụ...

Tiếp mạch câu chuyện, ông Hà Chiến Thuật tỏ ra ngậm ngùi khi cung cấp cho chúng tôi những số liệu và thông tin về hiện trạng của địa phương: Từ năm 2015 đến nay, mặc dù tốc độ giảm nghèo hàng năm đạt trung bình trên 5% nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện vẫn chiếm tới 42,42%. Ước thu nhập bình quân đầu người mới khoảng 17 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng còn yếu và thiếu, theo ước tính của xã, nhu cầu vốn để đầu tư vào hạ tầng giai đoạn 2017-2020 cần tới khoảng 200 tỷ đồng thì mới cơ bản đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới (hiện xã đạt 11 tiêu chí)...  Thực trạng đó khiến những cán bộ tâm huyết của xã luôn trăn trở. Tìm giải pháp khắc phục điều kiện khó khăn, khơi dậy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, bằng cách nghĩ, cách làm tiến bộ nhằm phát huy tốt những tiềm năng là quan điểm xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền xã Nghinh Tường.

Trước tiên là phải từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy phát triển kinh tế của người dân để thắng được “sức ỳ” cố hữu. Xác định như vậy nên xã đã và đang coi trọng công tác tuyên truyền, vận động sao cho phù hợp, hiệu quả nhất. Các chủ trương, nghị quyết, cách làm mới được “mềm hóa” để người dân dễ tiếp thu, vận dụng. Bí thư Hà Chiến Thuật vẫn thường nói với cán bộ các xóm và người dân trong những cuộc họp: Giờ không còn hộ nào đói nữa, chúng ta tiếp tục phấn đấu có của ăn của để, trồng những cây giống mới có giá trị cao hơn, làm thành hàng hóa để bán thì mới khấm khá được. Xã mình giờ cũng có khá nhiều mô hình hay, bà con hãy nhìn vào đó học tập, nên mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, tập trung vào trồng rừng sẽ có thu nhập cao trong vài năm tới…

Hiệu quả của công tác tuyên truyền cùng với hoạt động giao thương ngày càng sôi động (xã có chợ phiên thu hút khá đông người dân và tiểu thương ngoài địa bàn đến mua bán) là những tác nhân quan trọng khiến tư duy sản xuất của người dân ở Nghinh Tường thay đổi tích cực. Các giống ngô lai, lúa lai, lúa thuần, chè cành đã được trồng cấy phổ biến, nhiều giống cây ăn quả mới được người dân đưa về. Không ít gia đình đã đầu tư chăn nuôi gia trại với quy mô hàng chục con lợn/lứa. Đặc biệt, kinh tế rừng ở Nghinh Tường trong khoảng 4 năm trở lại đây đã có sự phát triển thấy rõ (trung bình mỗi năm, toàn xã trồng mới được trên 100ha rừng sản xuất). Cùng với đó, những lao động trẻ ở xã đã tích cực tìm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (riêng năm 2018 có 130 người).

Nà Châu vốn là xóm nằm trong tốp khó khăn nhất xã, nay đã có những khởi sắc đáng kể. Chị Nông Thị Ngọc Tú, Bí thư Chi bộ xóm chia sẻ: Khắc phục điều kiện ít đất canh tác (chỉ khoảng 1 sào/khẩu) và thiếu nước cấy, chúng tôi vận động bà con trồng giống ngô, lúa cho năng suất cao, lựa chọn giống phù hợp nhất với điều kiện đất đai của xóm. Khuyến khích người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư làm ăn, trồng hết diện tích rừng tự nhiên được giao. Cuối năm ngoái, xóm có 4 hộ thoát nghèo, năm nay phấn đấu thêm 8 hộ nữa.

Xã Nghinh Tường hiện đã có một số mô hình phát triển kinh tế nhiều triển vọng, trong đó phải kể đến mô hình trồng chuối tây Thái Lan, chè hoa vàng, cam, quýt, cây dược liệu và nuôi đà điểu, chim trĩ của HTX Thịnh Vượng. Đến nay, một số cây trồng, vật nuôi của HTX đã cho hiệu quả kinh tế cao và đầu ra tốt nên thu hút khá nhiều người dân trong và ngoài xã đến tham quan, học tập. Anh Triệu Tiến Tài, người dân xóm Hạ Lương (cùng ở xã Nghinh Tường) nói: Sau khi thăm thấy hiệu quả, tôi đã mua 250 cây chuối của HTX Thịnh Vượng về trồng. HTX này có nhiều giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi nghĩ mình và nhiều người sẽ học để làm theo được…

Nghinh Tường còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt, địa phương cũng “chưa dám” đặt ra mục tiêu cụ thể khi nào trở thành xã nông thôn mới. Nhưng rõ ràng mảnh đất vùng cao xa xôi này đã có những tín hiệu lạc quan, khởi sắc đáng ghi nhận, trước tiên là từ cách nghĩ, cách làm của cán bộ và người dân. Họ không còn nghĩ “làm chỉ để đủ ăn” và trông chờ nhiều nhưng vẫn rất cần nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước.