Tân Khánh tập trung khai thác tiềm năng nông nghiệp

08:12, 02/03/2019

Tân Khánh là xã miền núi của huyện Phú Bình. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đã tập trung khai thác tiềm năng nông nghiệp để từng bước nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo nông thôn.

Ông Nguyễn Bá Trực, Chủ tịch UBND xã thông tin: Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 2.094ha; xã có 2.021 hộ dân với trên 8.100 nhân khẩu. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Xã đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất, quy hoạch vùng chăn nuôi, gồm: 10ha ở xóm Tranh, Kê; 10ha ở xóm Cà, Đồng Bầu, Nông Trường; 5ha ở xóm Na ri.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xã đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP; dự án sản xuất lúa tập trung cánh đồng một giống theo phương pháp SRI (10ha); các mô hình cánh đồng một giống lúa lai, lúa thuần chất lượng...

Cùng với đó là tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển kinh tế. Hiện tổng dư nợ trên địa bàn là trên 50 tỷ đồng, nguồn vốn này đã góp phần tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Lê Duy Thạch, xóm Na Ri, cho biết: Nhà tôi mở lò ấp được khoảng gần 20 năm nay và hiện cung cấp gà giống cho các gia trại, trang trại trong xã và khu vực lân cận. Trước kia, được tiếp cận với vốn vay ngân hàng, tôi đã đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi gà, mua 1 lò ấp trứng gia cầm. Dần dần, vừa làm vừa học hỏi thêm kiến thức, tham gia các lớp tập huấn của địa phương, việc chăn nuôi của gia đình tôi ổn định, phát triển. Đến nay, tôi duy trì nuôi khoảng 1 vạn con gà/năm, có 4 lò ấp trứng. Trung bình mỗi năm thu lãi từ 100 triệu đồng trở lên.

Không chỉ riêng gia đình anh Thạch, nhiều hộ dân trong xã cũng đã lựa chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đặc biệt là mạnh dạn phát triển theo quy mô gia trại, trang trại. Hiện nay, toàn xã có 160 gia trại, trang trại với tổng đàn gia súc, gia cầm hàng trăm nghìn con. Phát triển kinh tế gia trại, trang trại tại Tân Khánh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân. Theo thống kê, số người trong độ tuổi lao động có việc làm tại địa phương chiếm trên 95%.

Bên cạnh việc quan tâm phát triển chăn nuôi gà thả đồi, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 36% diện tích đất tự nhiên, hằng năm, xã đều triển khai tốt kế hoạch trồng rừng và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước trong việc cấp cây giống, phân bón; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, công tác phòng cháy chữa cháy rừng; triển khai dự án trồng cây ăn quả trên diện tích vườn tạp… Do vậy, trung bình mỗi năm, người dân đều thực hiện trồng thay thế từ 40-60ha keo, hiện tổng diện tích rừng trồng trong toàn xã là trên 608ha. Ngoài ra, xã có trên 20ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi diễn, ổi nữ hoàng...

Không chỉ khuyến khích người dân phát triển kinh tế, xã còn vận động các hộ dân liên kết cùng phát triển, tạo đầu ra cho nông sản. Đến nay, trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã; 5 tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp; 1 tổ hợp tác trồng cây ăn quả; 1 tổ hợp tác thủy sản; 3 làng nghề chè. Xã cũng tạo điều kiện để người dân phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Hiện toàn xã có 15 xưởng mộc, 3 xưởng bóc ván gỗ, hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy rằng, với việc lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tế, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương đã đem lại những hiệu quả kinh tế đáng kể. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo là 14,5% thì đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,46%. Hiện nay, trên 95% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn; trên 90% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền và ngày công lao động để cứng hóa đường giao thông đảm bảo đi lại thuận tiện, xây dựng kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, 25/25 xóm đều có nhà văn hóa đảm bảo hội họp, sinh hoạt văn hóa thể thao. Năm 2018, Tân Khánh là xã đạt chuẩn nông thôn mới.