Thêm việc làm vì doanh nghiệp

10:12, 14/03/2019

Có lẽ chưa khi nào, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân lại nhận được nhiều sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh như thời gian gần đây. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay thì cộng đồng DN vẫn luôn mong chờ nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu này, Nghị quyết về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sắp được ban hành chính là một trong những việc làm cụ thể thể hiện sự quan tâm đó.

Nghị quyết nêu trên được xây dựng trên cơ sở Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhìn lại sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU đã có nhiều thay đổi và kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được, trong đó chỉ số PCI có những khởi sắc rõ rệt. Trong khi từ năm 2011 trở về trước, Thái Nguyên luôn nằm trong tốp nửa cuối, thậm chí năm 2011 còn đứng thứ 57/63 tỉnh, thành phố, thì từ năm 2012 trở lại đây tỉnh ta đã vươn lên đứng trong nhóm các địa phương có chỉ số PCI xếp hạng cao của cả nước, được cộng đồng DN, doanh nhân đánh giá cao. Cũng vì thế, tỉnh đã thu hút được nhiều DN “có tên tuổi” trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 6,5 nghìn DN với tổng số vốn đăng ký trên 55 nghìn tỷ đồng; có 905 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực. Trong đó có 777 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký 140 nghìn tỷ đồng, còn lại là 128 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố về thu hút nguồn vốn FDI. Đặc biệt, sau khi tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, tỉnh đã thu hút được 64 dự án của 45 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng 114 nghìn tỷ đồng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục, như: Vị trí xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh chưa ổn định, thiếu bền vững; việc thu hút đầu tư chưa có chiến lược dài hạn; cải cách thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; cơ chế phối hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị có lúc, có việc còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức có hành vi gây khó khăn trong giải quyết công việc cho người dân, DN; hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; chưa tạo được nhiều quỹ đất để giao cho dự án… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên, song theo đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu: Một số sở, ngành, đơn vị liên quan chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng được giao và công tác phối hợp trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức và DN chưa kịp thời, trách nhiệm chưa cao; nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất còn khó khăn…

Từ thực tế nêu trên, tại nhiều diễn đàn giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng DN, doanh nhân, mà gần đây nhất là tại Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với DN của Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã kiến nghị cần thiết phải có sự “nâng cấp” chỉ thị thành nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhằm tạo sức nặng, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Tuy nhiên, ông Thời cho rằng, để đạt được mục tiêu Nghị quyết cũng chính là để đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi thực sự của DN thì từng sở, ngành của tỉnh nhất thiết cũng phải đề ra chương trình hành động cụ thể và phải chịu trách nhiệm chính trong việc cải thiện chỉ tiêu thành phần trực tiếp có liên quan. Tỉnh cần lấy hiệu quả trong giải quyết công việc đối với DN là một trong những tiêu chí, thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành của người đứng đầu cũng như của cả sở, ngành đó; lấy đó là một căn cứ để bố trí, sắp xếp, luân chuyển hay quy hoạch cán bộ…

Ở một góc độ khác, ông Thời phân tích thêm, mục tiêu của Chính phủ đưa ra là đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 4 Asean có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất. Muốn làm được điều này thì từng địa phương phải làm tốt. Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất mà đại đa số nhà đầu tư lâu nay gặp phải chính là khâu giải phóng mặt bằng. Bằng chứng là có rất ít dự án giải phóng được toàn bộ diện tích theo quyết định đã được phê duyệt. Vì thế, ông Thời một lần nữa đề nghị tỉnh sớm xây dựng quy trình giải phóng mặt bằng, để từ đó đưa ra được thời gian cụ thể giải phóng mặt bằng của mỗi dự án. Làm được điều này, không chỉ nhà đầu tư cảm thấy yên tâm và chủ động hơn trong thực hiện dự án mà tỉnh cũng có điều kiện sàng lọc sớm nhà đầu tư không yếu kém, để nhường cơ hội cho nhà đầu tư khác…

Theo dự thảo Nghị quyết về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đã được thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có một số điểm đáng chú ý là: Phấn đấu mỗi năm có trên 800 DN đăng ký thành lập mới và hết năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 13 nghìn DN hoạt động; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin của các tổ chức, cá nhân tại tất cả các cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là người đứng đầu; UBND tỉnh, UBND cấp huyện, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổ chức đối thoại công khai với DN, người dân định kỳ ít nhất 2 lần/năm và phấn đấu 1 lần/quý để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân và các dự án đầu tư trên địa bàn… Chúng tôi tin rằng, khi đã thành Nghị quyết thì những mục tiêu cụ thể như thế này sẽ được các cấp, ngành nghiêm túc thực hiện để những băn khoăn, khó khăn của DN sẽ sớm được giải quyết và Thái Nguyên thực sự trở thành tỉnh đáng sống như sự tin tưởng và kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh vào cuối tháng 6-2018.