Văn Lăng phát triển kinh tế đồi rừng

13:11, 01/03/2019

Đến xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) vào một ngày đầu Xuân này, chúng tôi được ngắm nhìn những rừng keo xanh mướt thật thích mắt. Những cơn mưa Xuân “tiếp sức” cho cây cối đâm chồi nảy lộc, tô điểm thêm bức tranh nông thôn với gam màu tươi sáng, căng tràn sức sống.  

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2010 trở lại đây, xác định kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, xã đã vận động bà con tập trung trồng rừng thay thế những loại cây trồng ngắn ngày (như sắn, ngô…). Để khai thác tốt lợi thế về đất đồi rừng của địa phương, xã luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân về thủ tục hành chính và tích cực giao đất, giao rừng để bà con quản lý, canh tác theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp với ngân hàng để các chủ rừng được vay vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế đồi rừng; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phát triển kinh tế đồi rừng gắn với bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn.

Đưa chúng tôi đi thực tế tại nhiều khoảnh rừng xanh mướt, ông Lô Văn Thắng, Trưởng xóm Khe Quân cho biết: Cả xóm có hơn 140 hộ dân, trung bình mỗi hộ có khoảng 3ha rừng. Nếu như trước đây, các hộ chưa chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, đất rừng chủ yếu chỉ có các loại cây bụi để thu hái làm củi đun thì nay đã khác. Bà con đã biết khai thái lợi ích từ rừng, hết chu kỳ thu hoạch lại tiếp tục trồng mới và tiến hành bón phân, chăm sóc để cây nhanh lớn. Gia đình anh Lục Văn Vương, ở xóm Khe Quân là một trong những hộ dân thoát nghèo từ rừng. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Vương cho biết: Nhà tôi có 3ha rừng, trung bình sau một chu kỳ từ 5-7 năm cho khai thác được 70 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nhà tôi còn trồng chè, mỗi lứa thu được hơn 1 tạ chè khô với giá bán trung bình 180 nghìn đồng/kg. Từ trồng chè, trồng rừng và cấy lúa, mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập ổn định gần 60 triệu đồng, có điều kiện sắm sửa các vật dụng cần thiết như ti vi, tủ lạnh, xe máy...

Không chỉ ở Khe Quân mà đi các xóm khác như: Tân Thành, Khe Mong, Tân Lập, Tân Thịnh, Vân Khánh… đâu đâu chúng tôi cũng thấy bạt ngàn màu xanh của rừng và tuyệt nhiên không có một khu nào để đất trống đồi núi trọc. Trao đổi với chúng tôi, anh Trương Công Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có hơn 4.500ha rừng, trong đó có 3.000ha rừng phòng hộ và 1.500ha rừng sản xuất. Những năm qua, chúng tôi đã có nhiều chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần tăng thu nhập như: Triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng; khuyến khích các hộ đưa những giống cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng nhằm hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để tiêu thụ đầu ra cho bà con.

Cùng với đó, xã cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Vì vậy, nhiều diện tích đất lâm nghiệp trước đây bị bỏ trống nay đã được người dân tận dụng trồng rừng với màu xanh phủ kín. Từ đó, khai thác được tiềm năng đất đai mà từ trước đến nay chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Trung bình mỗi năm, xã trồng mới được trên 60ha rừng. Hiện, chúng tôi đang vận động bà con chuyển đổi từ trồng cây gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã biết kết hợp trồng rừng với chăn nuôi, trồng chè… Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nhiều gia đình vươn lên làm giàu.

Cùng với việc phát triển kinh tế đồi rừng, xã cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hằng năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô và triển khai xuống các xóm, bản; quan tâm đầu tư xây dựng đường băng cản lửa và đường lâm sinh...

Kinh tế đồi rừng phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 13,5 triệu đồng/người/năm thì đến nay tăng lên hơn 18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giảm từ 55,8% (năm 2015) xuống còn 39,3% hiện nay. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự cần cù chịu khó của người dân, chúng tôi tin tưởng, Văn Lăng sẽ còn có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.