Bài 3: Khâu “then chốt” trong công tác cải cách hành chính

10:45, 24/04/2019

Cải cách hành chính (CCHC) là giải pháp hàng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước 3 cấp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Và sau 3 năm đẩy mạnh công tác CCHC, cơ quan hành chính các cấp tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ

Thực hiện công tác CCHC theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể; xây dựng các giải pháp khả thi và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về lĩnh vực này tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Ban chỉ đạo CCHC các cấp trong tỉnh đã chỉ rõ trách nhiệm của từng thành viên, thường xuyên tổ chức họp để đánh giá kết quả thực hiện công tác này. Song song với việc biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác CCHC, các địa phương, đơn vị chậm triển khai kế hoạch CCHC hoặc đạt kết quả thấp sau các cuộc thanh, kiểm tra về chuyên môn… đều bị Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh nhắc nhở, phê bình, yêu cầu báo cáo làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.

Trong 3 năm qua, CCHC cũng là lĩnh vực được các sở, ngành, huyện, thành, thị trong tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Do vậy, cùng với những thành quả trong nhiệm kỳ trước, qua 3 năm của nhiệm kỳ này, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự đổi mới, chuyển biến tích cực. Nổi bật là bộ máy hành chính 3 cấp trong tỉnh ngày càng được hoàn thiện hơn; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, sự nghiệp 3 cấp tiếp tục được phân định rõ ràng; chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; việc tuyển chọn, sử dụng công chức, viên chức đã có tính chủ động và đáp ứng yêu cầu tinh giảm biên chế, bộ máy; tài chính công được thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp để chủ động...

“Trồng cây đến ngày hái quả”

Đặc biệt, khâu “đột phá” trong công tác CCHC là giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được các cấp, ngành trong tỉnh rà soát, đơn giản hóa theo hướng tinh gọn, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đời sống của người dân. Cùng với đó là ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức được nâng lên nên quy trình, thời gian giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân được rút ngắn. Từ năm 2016 trở lại đây, mỗi năm cơ quan hành chính 3 cấp trong tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 5 vạn hồ sơ liên quan đến TTHC về các lĩnh vực, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn đạt trên 99,16%. Đồng chí Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Để Thành phố phát triển nhanh và bền vững, trong 3 năm qua, chính quyền 2 cấp trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác CCHC. Từ các phòng, ban đến phường, xã đều niêm yết công khai Bộ TTHC về nội dung, thời hạn giải quyết và các vấn đề liên quan. Cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính của Thành phố cùng các phường, xã được chọn lựa đáp ứng tất cả yêu cầu về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần thái độ làm việc nên khi tiếp xúc, giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân đúng mực, chuyên nghiệp. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với xây dựng chính quyền vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, ổn định...

Ngoài việc bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, nhiệt huyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; liên tục rà soát Bộ TTHC, trong 3 năm qua cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong tỉnh ngày càng được nâng cấp, đem lại hiệu quả cao trong quản lý, điều hành, nhiều phần mềm ứng dụng được triển khai. Đến hết quý I/2019, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh sử dụng mạng nội bộ để trao đổi công việc, phần lớn cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có trang thông tin điện tử, trên 90% cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ thông qua mạng điện tử. Đồng chí Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Do tỉnh có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác CCHC nên Chỉ số CCHC, Chỉ số sự hài lòng của người dân đều đạt ở tốp khá so với toàn quốc. Điều này cho thấy tính hiệu quả, hiệu lực của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ngày càng được nâng lên. Riêng Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2018 có giảm 03 bậc nhưng số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh vẫn tăng và so sánh với 3 năm đầu của nhiệm kỳ trước thấy rõ sự thay đổi theo hướng tích cực.

Không để “tụt hạng” mới sốt sắng

Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những hạn chế, như: Tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu một số đơn vị đối với công tác này chưa cao. Chỉ khi các chỉ số: CCHC (Par Index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), sự hài lòng của người dân (PAPI) đạt điểm thấp, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh mới sốt sắng đầu tư, quan tâm để lấy lại vị trí chứ chưa có hướng phát triển bền vững. Ví dụ như đối với huyện Phú Lương, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… khi một số tiêu chí đánh giá bị điểm thấp, chỉ số CCHC đứng cuối bảng thì người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nêu trên mới thực sự quan tâm đến công tác này.

Cùng với đó, đội ngũ công chức, viên chức trong tỉnh chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác CCHC đem lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực; chưa xây dựng được phong trào hiến kế, sáng kiến, giải pháp CCHC; tinh thần, trách nhiệm giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao dẫn tới tổ chức, cá nhân vẫn phải làm đi, làm lại nhiều lần, quá hạn; tỷ lệ văn bản trao đổi điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu… Chính vì vậy, khi phát biểu chỉ đạo tại các cuộc họp thường kỳ đánh giá kết quả công tác CCHC, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh đều yêu cầu: Để công tác CCHC của tỉnh đạt kết quả cao hơn thì cần có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị.

Từ thực tế cho thấy vẫn còn một số đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa thực sự quyết liệt trong công tác CCHC, việc tham mưu với cấp có thẩm quyền chưa có nhiều đột biến, sáng tạo; chỉ số CCHC đạt tốp khá nhưng chưa thực sự bứt phá và có nguy cơ thiếu bền vững. Đặc biệt là nguồn kinh phí của các cấp, ngành trong tỉnh đầu tư cho CCHC còn hạn hẹp; việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức đạt hiệu quả chưa cao, việc cung ứng các dịch vụ công còn hạn chế. Cá biệt còn có cán bộ, công chức thực hiện công tác CCHC mang tính hình thức, có thái độ, lời nói chưa làm hài lòng người dân khi đến giải quyết công việc...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong giai đoạn tới, lãnh đạo tỉnh đề nghị đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước trên địa bàn cần có tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực hơn khi thực hiện công tác CCHC. Trong đó, yêu cầu bức thiết là các cấp, ngành, địa phương nên bám sát nhiệm vụ, tuyên truyền sâu, rộng về công tác CCHC đến mọi tầng lớp nhân dân; tiếp tục thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Vấn đề rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế và đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh vào các lĩnh vực, như: Đầu tư, đất đai, quy hoạch, chính sách xã hội nên làm quyết liệt hơn.

Cùng với đó là các cơ quan, đơn vị, địa phương nên cụ thể hóa các chỉ số đánh giá nhằm nâng cao chất lượng cải cách TTHC và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; chính sách khả thi trong thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan Nhà nước của tỉnh nên thực hiện thành nền nếp, không hình thức; tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý ở các cơ quan hành chính, đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với cấp xã; nâng cao mức độ giải quyết hồ sơ trực tuyến… Mạnh dạn thực hiện những nội dung trên thì công tác CCHC mới thực sự là khâu đột phá, có ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước trên địa bàn và tạo dựng được niềm tin của nhân dân với chính quyền các cấp trong tỉnh.

Qua các đợt kiểm tra của Bộ Nội vụ về thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy đã có 19/20 sở, ban, ngành và 9/9 UBND cấp huyện, 180/180 UBND cấp xã trong tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, các địa phương: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai đã triển khai áp dụng đồng bộ, thống nhất phần mềm một cửa, một cửa liên thông tới cấp xã. Đến quý I/2019, cơ bản cấp xã đã có phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Tại một số sở, như: Công Thương, Giao thông - Vận tải, Y tế... đã tăng cường đầu tư trang thiết bị hệ thống công nghệ thông tin áp dụng một cửa hiện đại.

(Còn nữa)