Những năm gần đây, huyện Đại Từ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, mô hình hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Từ những mô hình đó, bà con đã lựa chọn những loại cây trồng phù hợp, dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả rõ nét, tạo chuyển biến trong cách thức sản xuất các loại rau, góp phần nhân rộng diện tích trồng rau an toàn tại địa phương phải kể đến là mô hình hỗ trợ sản xuất xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Với tổng kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng, huyện đã hỗ trợ kinh phí làm nhà lưới, hệ thống tưới đơn giản cho 16 hộ với diện tích trên 9.000m2 rau tại thị trấn Hùng Sơn, đồng thời hỗ trợ 100% kinh phí cấp mới giấy chứng nhận VietGAP lần đầu với diện tích 20,8ha rau sản xuất tập trung tại thị trấn Hùng Sơn và xã Bình Thuận.
Ông Hoàng Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn xã Bình Thuận cho biết: Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển và tình hình sâu bệnh hại trên rau trong nhà lưới có lắp hệ thống tưới đơn giản, chúng tôi nhận thấy các loại rau ăn có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt hơn diện tích trồng ở ngoài nhà lưới; hạn chế sâu bệnh gây hại; sản phẩm thu hoạch có chất lượng tốt, an toàn và giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, giảm đáng kể công lao động, qua đó mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, chu kỳ sản xuất, giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc. Năng suất bình quân đạt 250-270 tạ/ha, cao hơn phương pháp trồng truyền thống từ 25-30%.
Cùng với cây rau, huyện đã thực hiện mô hình phát triển diện tích trồng bưởi. Được triển khai từ năm 2017, với cơ chế hỗ trợ 70% giá giống, 50% giá phân bón vô cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia thực hiện mô hình tại 5 xã: Cát Nê, Ký Phú, Mỹ Yên, Phú Cường, Yên Lãng. Tổng diện tích được hỗ trợ trồng mới là 33ha, kinh phí thực hiện 1,2 tỷ đồng. Sau khi triển khai thực hiện mô hình, cây trồng sinh trưởng, phát triển, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Hiện nay, cây bưởi đang được nhân dân chăm sóc quản lý theo đúng quy trình, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Qua mô hình nhằm mở rộng diện tích trồng bưởi, tạo ra vùng sản xuất tập trung.
Ngoài rau và bưởi, các chương trình, mô hình hỗ trợ được thực hiện ở nhiều loại cây trồng khác như: Lúa, chè, dược phẩm… Các chương trình, mô hình không chỉ tập trung vào việc trồng, chăm sóc mà còn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu chế biến, thu hoạch như hỗ trợ: Máy sao vò chè, máy gặt đập liên hoàn, máy cấy… Để các chương trình, mô hình hỗ trợ triển khai thực hiện mang lại hiệu quả, có khả năng nhân rộng, trên cơ sở rà soát, quy hoạch rõ các vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng, huyện lựa chọn các loại cây phù hợp với từng vùng. Trong quá trình thực hiện, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức tham quan, học tập các mô hình đã sản xuất có hiệu quả tốt để người dân học tập.
Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong giai đoạn 2016-2018, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là trên 38 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 32 tỷ đồng, nhân dân đối ứng gần 6 tỷ đồng. Qua triển khai xây dựng và thực hiện, các chương trình, mô hình trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuậ#t, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao được triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người nông dân.
Từ kết quả đó, cho thấy việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp là việc làm cần thiết, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Vì thế, năm 2019, huyện có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, mô hình hỗ trợ, trong đó ưu tiên các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Mở rộng diện tích trồng rau bằng phương pháp thủy canh, khí canh; hỗ trợ sản xuất thâm canh nhãn, cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất chè theo hướng hữu cơ; mô hình sản xuất rau an toàn trong hệ thống nhà kính theo phương pháp tưới nhỏ giọt bằng dung dịch hữu cơ… Với tổng kinh phí hỗ trợ gần 12 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 4,8 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ trên 7 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Thành cho biết thêm: Quá trình lựa chọn mô hình hỗ trợ, huyện đã xem xét đến các vấn đề như: Đầu ra cho sản phẩm, xây dựng mối liên kết “4 nhà” nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp giá trị cao, phát triển bền vững. Đây được xem là giải pháp hàng đầu để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.