Từ niềm đam mê với cây dược liệu và những kinh nghiệm, kiến thức được trao truyền từ cha ông, anh Dương Trung Hiếu, sinh năm 1983, Giám đốc Công ty TNHH Cây dược liệu La Hiên, ở xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai) đã và đang cùng với một số người dân nơi đây bảo tồn, phát triển được nhiều loại dược liệu quý.
Vừa dẫn chúng tôi thăm vùng dược liệu của Công ty, anh Hiếu vừa chia sẻ những công dụng của từng loại thuốc quý và về gia đình mình. Anh bảo: Gia đình tôi có truyền thống 5 đời làm nghề trồng cây thuốc nam, chữa bệnh cho người dân quanh vùng. Từ nhỏ, tôi thường cùng bố ra vườn tìm cây thuốc nên năm lên 10 tuổi, tôi đã thuộc lòng hình dáng và công dụng của nhiều loại cây. Cứ thế niềm đam mê với dược liệu đã ngấm vào con người tôi lúc nào không hay.
Với niềm đam mê ấy, anh Hiếu quyết tâm khởi nghiệp từ cây dược liệu. Sau khi đi học hỏi kỹ thuật khắp các nhà vườn, năm 2010, anh trồng 1ha dược liệu đầu tiên, trong đó 2/3 diện tích trồng cây đinh lăng, còn lại là cây ba kích. Sau 3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi sào thu từ 20-30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn thực hiện giâm cành để bán giống, giá lúc bấy giờ là 5 nghìn đồng/cây giống. Nhận thấy hiệu quả, nhiều bà con tìm đến anh Hiếu để mua cây giống về trồng, sản phẩm làm ra được anh bao tiêu toàn bộ. Đến nay, vùng dược liệu do anh Hiếu và người dân phát triển đã lên hơn 53ha. Trong đó, diện tích gia đình anh Hiếu trồng là hơn 3ha, còn 50ha là diện tích của các hộ dân liên kết, với nhiều loại cây như: Hà thủ ô, Cát sâm, Thiên môn đông, Ba kích, Cà gai leo… Năm 2016, anh Hiếu thành lập Công ty TNHH Cây dược liệu La Hiên để tiện giao dịch và phát triển sản xuất, đồng thời học ngành Y sỹ Y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Tuệ Tĩnh Thanh Hóa. Ông Vương Văn Luật, ở xóm Làng Phật, xã Phú Thượng (Võ Nhai), cho hay: Gia đình tôi hiện có 4 sào trồng cây bạc thau cung cấp cho Công ty TNHH Cây dược liệu La Hiên. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg khô, mỗi năm gia đình tôi thu được gần 50 triệu đồng, gấp nhiều lần một số loại cây trồng khác.
Trung bình mỗi năm, Công ty của anh Hiếu thu mua được trên 30 tấn dược liệu các loại, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng. Mỗi loại cây lại có năng suất cũng như giá trị kinh tế khác nhau. Đơn cử như sau 3 năm trồng, cây ba kích cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 3 tấn củ/sào; cây hà thủ ô đỏ cho thu khoảng 4 tấn/sào; cây kim tiền thảo thu được gần 4 tấn/sào/năm… Với sản phẩm dược liệu thu được, ngoài sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người dân quanh vùng, Công ty TNHH Cây dược liệu La Hiên còn ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Dược liệu MC Pharma, Công ty TNHH Tuệ Linh, Công ty Thuốc và vị thuốc Việt Nam…
Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển Công ty, anh Hiếu nhớ lại: Để có được vùng nguyên liệu phong phú với gần 200 loại như hiện nay, nhiều loại cây tôi phải vào rừng sâu tìm giống bản địa hay lấy giống từ các vườn của một số thầy lang. Ban đầu, một số giống mới đưa vào trồng cũng bị hư hại nhiều, lỗ 5-6 triệu/sào là chuyện thường. Đáng nhớ nhất là năm 2016, tôi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 20 hộ dân ở xã Dân Tiến để trồng 3ha nghệ đỏ nhằm xuất bán sang Ấn Độ. Tuy nhiên, đến lúc được thu hoạch, do thấy giá thị trường cao hơn nên người dân bảo nhau hủy hợp đồng, bán hết cho thương lái. Vậy là sau một thời gian dài hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật cho bà con, tôi lại tay trắng. Tuy nhiên đây cũng là một bài học đối với tôi bởi sau đợt đó, những hộ liên kết với Công ty đều được tôi lựa chọn rất kỹ càng, đó phải là những người chịu khó và có ý thức phát triển lâu bền.
Giữa bốn bề thơm hương thảo dược, anh Hiếu hào hứng khoe với chúng tôi về sản phẩm mới của Công ty. Anh chia sẻ: Sản phẩm này mang tên Siro ho La Hiên với thành phần chính là cam thảo, bách bộ, đại thanh, tang chi… có tác dụng hỗ trợ bổ phế, giảm ho đã có đầy đủ đăng ký sản phẩm, thông tin, mã số mã vạch. Sản phẩm được tạo ra dựa trên bài thuốc gia truyền của gia đình, toàn bộ nguyên liệu được chuyển trực tiếp cho Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh (Hải Dương) chiết suất và đóng bao bì. Hiện, sản phẩm siro ho đã có mặt tại nhiều cửa hàng thuốc trên địa bàn với giá bán là 150 nghìn đồng/hộp. Thời gian tới, tôi dự định sẽ phát triển thêm các sản phẩm khác từ dược liệu địa phương, đồng thời mở rộng diện tích vùng nguyên liệu thêm khoảng 25ha.