Để sản phẩm mang thương hiệu của địa phương

11:50, 06/04/2019

Nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị, huyện Võ Nhai đã và đang tích cực triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (viết tắt là OCOP). Chương trình được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Ông Hoàng Kim Trung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Chương trình OCOP nếu được triển khai tốt sẽ có hiệu quả rất thiết thực, góp phần thúc đẩy sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhận thức rõ điều này, Phòng đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá và tham mưu UBND huyện lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có thế mạnh hoặc mang tính đặc trưng để định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2019-2025.

Cụ thể, nhóm thực phẩm gồm: Chè Tràng Xá, Liên Minh, bưởi Tràng Xá, na La Hiên, thuốc lá Võ Nhai, đậu phụ Bình Long, khau nhục Võ Nhai, cá nước lạnh Võ Nhai, măng khô Liên Minh, ổi Phú Thượng; nhóm thảo dược Võ Nhai (Ba kích, Đinh lăng, trà hoa vàng, Giảo cỏ lam...); nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn: Du lịch hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà; du lịch từng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá; du lịch Thần Sa - Phượng Hoàng (thác Mưa Rơi, Mái Đá Ngườm...). Riêng giai đoạn 2019-2020, Võ Nhai sẽ xây dựng, nâng cấp 6 sản phẩm thành sản phẩm OCOP gồm: Na La Hiên, bưởi Tràng Xá, chè Tràng Xá, Liên Minh, nếp cái hoa vàng Phương Giao, thuốc lá nguyên liệu Võ Nhai, du lịch hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, nhiều năm qua, huyện Võ Nhai luôn định hướng phát triển một số cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Qua đó, một số cây trồng đã trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện như: Na ở xã La Hiên, bưởi Tràng Xá, chè ở xã Tràng Xá, Liên Minh và các xã khác, ổi ở xã Phú Thượng, gạo nếp cái hoa vàng ở xã Phương Giao... Trong số những sản phẩm kể trên, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực ở huyện, góp phần giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Hiện nay, Võ Nhai có 1.250ha chè, trong đó có 500ha chè trung du, còn lại là chè cành với chủ yếu các giống: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. Năng suất trung bình đạt 28 tạ/ha/lứa. Cây chè đã phát triển thành vùng tập trung ở xã Tràng Xá (255ha) và Liên Minh (325ha) với 7 làng nghề chè. Theo đánh giá của nhiều thương lái cũng như người thưởng thức, cây chè ở Tràng Xá và Liên Minh cũng ngon không kém chè ở các vùng chè nổi tiếng trong tỉnh như: La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ). Cùng với cây chè, bưởi cũng đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở Tràng Xá. Hiện, Tràng Xá có trên 170ha bưởi, nhiều hộ đã có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm từ cây trồng này. Đặc biệt, bưởi diễn Tràng Xá đã vươn ra thị trường tiêu thụ không những ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác, như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên...

Nếu như Tràng Xá, Liên Minh có sản phẩm thế mạnh là bưởi và chè thì xã La Hiên lại có Na là sản phẩm thế mạnh. Toàn huyện có trên 330ha na thì xã La Hiên chiếm tới 232ha. Cây trồng này cũng đem lại nguồn thu nhập cho người dân xã La Hiên từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Năm 2016, sản phẩm Na La Hiên đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Những năm qua, cây na ở La Hiên đã đem lại giá trị kinh tế lớn và ổn định cho người dân. Bởi vậy, khi phát triển, nâng cấp sản phẩm này đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần rất lớn vào công cuộc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống kinh tế của người dân trong xã.

Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Võ Nhai đã và tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và người dân về quan điểm, mục tiêu, chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình được áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành của Nhà nước về phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn…

Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, Võ Nhai sẽ tạo nên những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.