Do chưa thể chế biến sâu khoáng sản nên việc tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp (DN) khai thác, chế biến và xuất khẩu quặng Titan trên địa tỉnh trong thời gian qua gặp không ít khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã cho phép xuất khẩu quặng Titan để các DN giảm lượng tồn kho, thế nhưng với quy định hạn chế về số lượng và gia hạn thời gian xuất khẩu đến hết năm 2018 khiến các đơn vị tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khác.
Theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030, tỉnh ta được quy hoạch vùng quặng titan (quặng gốc và sa khoáng) để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 3 DN được cấp phép tổ chức khai thác, chế biến và xuất khẩu titan là: Công ty cổ phần (CP) Khoáng sản An Khánh, Công ty CP Ban Tích, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi.
Sau khi được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác với sản lượng trên 110 nghìn tấn quặng Titan mỗi năm, Công ty CP Khoáng sản An Khánh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào dây chuyền tuyển quặng và được kỳ vọng sẽ trở thành đơn vị đi đầu trên địa bàn tỉnh về xuất khẩu quặng Titan. Thế nhưng trong suốt 7 năm qua, đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa mỏ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Khoáng sản An Khánh cho biết: Lũy kế 7 năm qua, lượng quặng tồn kho của Công ty lên tới hàng trăm nghìn tấn. Sở dĩ có điều này là do công suất khai thác, chế biến quặng của Công ty khá lớn nhưng lại chưa thể chế biến sâu. Vì thế, theo quy định của Chính phủ, các đơn vị khi chưa đủ điều kiện khai thác và chế biến sâu Titan thì chỉ được xuất khẩu từ 20-30 nghìn tấn/năm và chỉ được phép xuất khẩu đến hết tháng 12-2018. Lợi dụng điểm yếu này của DN, các đối tác nước ngoài đã ép giá ngược trở lại khiến Công ty càng trở nên lao đao vì đơn hàng xuất khẩu vừa bị hạn chế về số lượng vừa bị giá thấp. Quặng không tiêu thụ được nhưng hằng năm, Công ty vẫn phải thực hiện chi trả hơn 10 tỷ đồng tiền nộp thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin. Vì thế, đơn vị vẫn phải duy trì sản xuất cầm chừng để đảm bảo việc làm cho hàng trăm người lao động cũng như tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới.
Ông Ngô Quốc Hội cũng bày tỏ sự lo lắng: Nếu như Chính phủ không sớm có quyết định mới về việc tiếp tục tạo điều kiện cho DN xuất khẩu Titan trong năm nay, cộng với các chính sách giúp bảo vệ DN trước tình trạng bị ép giá như vừa qua thì rất có thể Công ty phải dừng sản xuất.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết lý do khiến Công ty CP Khoáng sản An Khánh chưa thể chế biến sâu quặng Titan là bởi vì loại quặng mà đơn vị được cấp phép khai thác tại mỏ Cây Châm (Phú Lương) thuộc loại quặng gốc. Ở Việt Nam, chỉ có tỉnh ta có loại quặng này, đặc điểm của quặng gốc có lẫn nhiều tạp chất, tinh thể nhỏ xâm tán, xen kẹp lẫn nhau, khó tách toàn bộ lượng Titan nên rất khó tuyển. Cụ thể, chất lượng tinh quặng titan qua tuyển chỉ đạt từ 40-44% nên không thể luyện ra xỉ Titan có chất lượng trên 90%. Được biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có công nghệ tuyển khoáng đối với loai quặng gốc. Mặc dù Công ty CP Khoáng sản An Khánh đã chủ động phối hợp với Viện Khoa học Mỏ và luyện kim Việt Nam, Hiệp hội titan Việt Nam nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo quốc tế để tìm kiếm công nghệ tuyển khoáng, luyện kim phù hợp với đặc điểm của loại quặng này, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Tương tự như Công ty CP Khoáng sản An Khánh, Công ty CP Ban Tích được cấp phép khai thác, chế biến và xuất khẩu Titan từ năm 2005 nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa thể đi vào hoạt động sản xuất cũng bởi lý do mỏ khai thác được phân bổ tại khu vực quặng gốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ duy nhất có Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi là có thể chế biến sâu quặng Titan với công suất khoảng 20 nghìn tấn xỉ titan/năm. Nguyên nhân là do khu vực quặng được cấp phép khai thác của Công ty là loại quặng sa khoáng. Vì thế, với công nghệ tuyển khoáng thông thường thì tinh quặng titan qua tuyển đã đạt trên 48%, đảm bảo đưa vào nấu luyện để chế biến thành xỉ Titan.
Không được cấp phép tổ chức, khai thác như các đơn vị nêu trên, nhưng Công ty TNHH titan Hoa Hằng (T.P Sông Công) được cấp phép trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại quặng Titan. Theo đó, Công ty dự kiến sẽ mua lại sản phẩm của Công ty CP Khoáng sản An Khánh, Công ty CP Ban Tích để xuất khẩu sang công ty chính tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các đơn vị khai thác, chế biến và xuất khẩu Titan trong tỉnh thời gian qua gặp khó khăn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Công ty TNHH Titan Hoa Hằng. Hiện nay, Công ty đã bán nhà máy, cơ sở hạ tầng và đang tiến hành giải thể.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Khó khăn trong xuất khẩu Titan trên địa bàn tỉnh ta là do chưa có được công nghệ tuyển tinh quặng đối với loại quặng gốc để đưa vào chế biến sâu. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với các DN xuất khẩu Titan trên địa bàn tỉnh và các ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo, xúc tiến đầu tư về khoa học - công nghệ nhưng vẫn chưa có kết quả tích cực. Về việc xuất khẩu Titan, cuối năm 2018, Sở Công Thương đã báo cáo với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đề nghị Cục Công nghiệp và các bộ, ngành quản lý có liên quan trình Chính phủ cho phép DN trong tỉnh được phép xuất khẩu tinh quặng Titan trong thời gian tới. Đồng thời, sớm hoàn thành Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan giai đoạn sau năm 2020 để Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép hoạt động khoáng sản Titan cho các đơn vị có nhu cầu về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất…