Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi các điền chủ, nông gia trong cả nước tham gia hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, ngày 8/3/1948, HTX đầu tiên của cả nước đã ra đời tại Thái Nguyên (HTX Thủy tinh dân chủ), sau đó một số HTX nông nghiệp được thành lập ở xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ). Trải qua hơn 70 năm xây dựng, phát triển, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Những năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới và nhiều khó khăn của kinh tế trong nước nhưng khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có bước phát triển khá. Nhiều HTX không ngừng đổi mới hoạt động, phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh có 63 HTX và trên 100 tổ hợp tác (THT) được thành lập mới, nâng tổng số lên gần 470 HTX và gần 7.300 THT, tạo việc làm cho hơn 200 nghìn thành viên và người lao động. KTTT, HTX đã phát triển rộng khắp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó phát triển mạnh nhất là các HTX nông nghiệp với gần 270 HTX, cùng với đó là các lĩnh vực khác, như: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, vận tải, vệ sinh môi trường, quỹ tín dụng nhân dân... Đặc biệt, năm 2018, Liên hiệp HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh ra đời với 7 HTX thành viên, tổng số vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy và phát huy vai trò tích cực của kinh tế hộ, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. HTX với vai trò là cầu nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp, đem lại nguồn thu ổn định, gia tăng giá trị hàng hóa... đã tạo sức hút với đông đảo bà con nông dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều HTX đã chủ động liên kết, từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 40 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chè, 18 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi gà đồi, dê, thỏ, lợn và 15 HTX tham gia các chuỗi sản phẩm trồng trọt, chế biến nông sản khác như: Miến, mỳ gạo, rau củ quả, dược liệu… Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế cho đơn vị, các HTX đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới với trên 170 HTX hoạt động. Trong đó, nhiều HTX đã tích cực đóng góp, phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới.
Với những thành tích đã đóng góp, hơn 70 năm qua, hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân trong lĩnh vực KTTT, HTX tỉnh đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng, trao tặng nhiều danh hiệu. Các HTX tiêu biểu phải kể đến như: HTX chè Tân Hương (T.P Thái Nguyên) - HTX đầu tiên trong cả nước có sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ; HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ) với nhiều sáng kiến trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm của HTX đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, có thị trường tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, các HTX khác như: HTX Vận tải ô tô Tân Phú, HTX chè Hảo Đạt, HTX Dịch vụ và kinh doanh tổng hợp Cổ Lũng, Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, HTX gà đồi Đông Thịnh… cũng đang từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, như: Quy mô của các HTX còn nhỏ, việc áp dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế, sức cạnh tranh của một số sản phẩm trên thị trường chưa cao, sự liên kết giữa HTX, THT với doanh nghiệp còn thiếu tính bền vững, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý HTX cũng như đất đai, nguồn vốn của các HTX còn nhiều khó khăn… Đây cũng chính là những thách thức đặt ra cho các HTX trong thời kỳ mới, yêu cầu phải vượt qua để tồn tại và phát triển.
Có thể thấy rằng, mặc dù còn không ít khó khăn song trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, KTTT, HTX vẫn đang khẳng định vai trò của mình, dần tạo dựng cho mình một thế đứng vững vàng, phát huy vai trò là một trong ba thành phần kinh tế nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nhằm tiếp tục phát triển KTTT, HTX trên địa bàn theo hướng bền vững, hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm đó là tham mưu giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh tiếp tục triển khai Luật HTX 2012, thực hiện tốt Đề án phát triển KTTT, HTX của tỉnh giai đoạn 2017-2020, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong thời gian tới sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với năng lực quản lý, cơ sở vật chất và thị trường; phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp theo chỉ thị của Chính phủ… Từ đó góp phần thúc đẩy KTTT vươn lên mạnh mẽ hơn, tạo sức lan tỏa và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.