Khi quyền lợi và trách nhiệm của người dân gắn với rừng

13:07, 14/04/2019

Gần 20.000ha rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai) thuộc diện phải bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với chủ rừng, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan. Những năm gần đây, khi việc giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân địa phương được triển khai với quy mô ngày càng lớn, hiệu quả công tác bảo vệ rừng đã được nâng lên rõ rệt, áp lực đối với lực lượng Kiểm lâm vốn đang rất thiếu quân số cũng giảm đi đáng kể…  

Lân Nghiềng là một chòm dân cư (thuộc xóm Nà Lẹng, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai) gồm 8 hộ người dân tộc Dao sinh sống trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Đó là một bình địa nhỏ trên núi và gần như tách biệt với bên ngoài, muốn đến đây chỉ có cách đi bộ leo núi khoảng 2 giờ đồng hồ, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Nơi đây từng là điểm “hoành hành” của lâm tặc khiến lực lượng Kiểm lâm rất vất vả trong việc giữ rừng. Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, từ năm 2016, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (gọi tắt là Ban Quản lý) đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với từng hộ (mỗi hộ trung bình khoảng 20ha). Các hộ được nhận tiền công bảo vệ với mức 200.000 đồng/ha/năm (từ cuối năm 2018 tăng lên 400.000 đồng), kèm với đó là trách nhiệm bảo vệ rừng, phải kịp thời phát hiện và báo cho lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương nếu thấy rừng bị xâm hại.

Ông Phan Văn Vượng, một người dân ở Lân Nghiềng chia sẻ: Sau khi nhận giao khoán, 8 hộ chúng tôi lập thành một nhóm phân công nhau tuần tra để bảo vệ rừng thật tốt. Nếu thấy người lạ đến mà có biểu hiện chặt gỗ, săn bắn thú hoang là chúng tôi nhắc nhở hoặc báo với lực lượng Kiểm lâm. Cuối năm 2016, khi nhận tiền công bảo vệ rừng, chúng tôi bàn nhau góp lại để cùng kéo một đường dây điện dài 3km từ xóm lên. Tôi thấy việc nhận giao khoán bảo vệ rừng rất ý nghĩa mà lại có tiền công, với chúng tôi, vài triệu đồng một năm là số tiền lớn…

Việc giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được triển khai từ năm 2012. Lúc đầu do nguồn kinh phí (từ ngân sách tỉnh) cấp cho hoạt động này còn hạn hẹp và chủ yếu do người dân chưa hiểu nên sợ “bị trách nhiệm”, Ban Quản lý mới chỉ triển khai được tại xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa và xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường. Ông Phan Quốc Thụ, Phó Giám đốc Ban Quản lý cho biết: Để người dân hiểu ý nghĩa nhiều mặt của việc nhận giao khoán rừng, chúng tôi đã cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Tổ chức các cuộc họp tại từng khu dân cư để giải thích cho bà con, khi đã hiểu thì mọi người đều hào hứng. Từ chỗ thiếu mặn mà, nghi ngờ, đến nay nhiều người dân còn chủ động gặp kiểm lâm viên và lãnh đạo xã đề nghị được ký hợp đồng nhận khoán.

Để người dân đồng thuận và tích cực nhận giao khoán, vai trò của chính quyền cấp xã và cán bộ các xóm là rất quan trọng. Ví dụ như tại xã Cúc Đường (địa phương có khoảng 1.500ha rừng đặc dụng), UBND xã đã tổ chức riêng một hội nghị với cán bộ và người có uy tín ở các xóm, mời cán bộ của Ban Quản lý về tuyên truyền. Sau đó chỉ đạo các xóm tổ chức họp dân, thành lập các tổ do trưởng xóm đứng đầu, lựa chọn những người dân tích cực, có sức khỏe tốt và sinh sống gần rừng tham gia vào Tổ Bảo vệ rừng. Các tổ thống nhất xây dựng quy chế, chia thành từng nhóm luân phiên nhau tuần tra rừng. Ông Hoàng Công Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Đường thông tin: Cả 5 xóm của xã đều đã thành lập Tổ Bảo vệ rừng, tổng diện tích rừng đã nhận giao khoán là gần 1.200ha. Từ khi triển khai, chúng tôi yên tâm hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ý thức, nhận thức của người dân được nâng lên…

Đến nay, tổng diện tích rừng Ban Quản lý đã giao khoán bảo vệ cho các hộ dân và cộng đồng dân cư đạt gần 11.200ha (39 hộ, 33 cộng đồng dân cư tại 7 xã), chủ yếu được triển khai từ năm 2016 và 2018. Đồng thời với việc triển khai kế hoạch của các năm trước theo chu kỳ 5 năm, năm nay Ban Quản lý dự kiến thiết kế thêm 3.550ha để giao khoán cho người dân. Số tiền hỗ trợ đã chi trả cho người dân năm 2018 là trên 2,2 tỷ đồng (năm nay sẽ là gần 4,5 tỷ đồng, tương ứng với mức hỗ trợ tăng lên 400 nghìn đồng/ha/năm so với 200 nghìn đồng như trước). Đa phần các tổ bảo vệ rừng sau khi nhận tiền hỗ trợ đều dùng vào những việc chung có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng, như: Làm nhà văn hóa xóm, đường nước sạch, kéo điện, làm đường bê tông… Điều này có sự định hướng của Ban Quản lý và chính quyền các xã.

Những lợi ích đối với từng hộ dân hoặc cộng đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng đã thấy rõ, đồng thời hiệu quả của công tác bảo vệ rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên này cũng được cải thiện đáng kể. Số vụ và khối lượng lâm sản vi phạm giảm qua từng năm (ví dụ năm 2018 xảy ra 38 vụ, giảm trên 7% so với năm trước). Ông Phan Quốc Thụ cho biết thêm: Khi nhận giao khoán, chính người dân sẽ không trở thành đối tượng xâm hại rừng, họ tích cực phối hợp và báo tin cho kiểm lâm khi rừng bị xâm phạm bởi việc này có trách nhiệm và lợi ích của họ. Điều đó càng có ý nghĩa khi mới đây Ban phải chấm dứt toàn bộ kiểm lâm hợp đồng (27 người) theo chỉ đạo của cấp trên khiến lực lượng bị thiếu hụt nhiều.

Được biết, không riêng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, tại những nơi có rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành liên quan cùng các chủ rừng cũng tích cực triển khai việc giao khoán bảo vệ cho nhân dân địa phương. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Khi quyền lợi và trách nhiệm của người dân gắn với rừng thì chắc chắn diện tích rừng sẽ được bảo vệ ngày càng tốt hơn.