Xã Quân Chu (Đại Từ) trước đây vốn là một trong những địa phương nghèo nhất của huyện. Nhưng vài năm gần đây, nhờ biết cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên đời sống của người dân đã được nâng lên. Ngoài việc trồng các loại cây ăn quả, một số hộ dân đã đưa cây su su vào trồng hàng hóa, mang lại thu nhập cao.
Xã Quân Chu có 19 xóm, trên 1.000 hộ với trên 4.000 nhân khẩu. Là xã miền núi ở phía Tây Nam huyện Đại Từ, Quân Chu nằm men theo chân dãy núi Tam Đảo với địa hình từ các dãy núi cao, kế tiếp đến là những quả đồi bát úp gối nhau, phía dưới là những cánh đồng có diện tích nhỏ hẹp xen kẹp giữa các gò đồi thấp và khu dân cư. Khí hậu ở đây khá mát mẻ, rất phù hợp với trồng cây su su. Nhận biết được điều này, xã đã vận động bà con mở rộng diện tích trồng su su, đặc biệt là đối với những diện tích cây trồng kém hiệu quả.
Cây su su bắt đầu khẳng định được hiệu quả khi ông Triệu Tiến Sửu, xóm Hòa Bình bỏ# hết các cây màu khác để trồng su su. Ban đầu, gia đình ông Sửu trồng su su cũng chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình. Sau khi thấy cây su su phát triển rất tốt, trong khi đó, nhu cầu của người mua ngày càng tăng, nên năm 2017, ông đã trồng su su theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông đã trồng được khoảng 1ha su su, mỗi ngày thu hoạch được khoảng 100kg ngọn, với giá bán 15.000 đến 20.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông thu về gần 30 triệu đồng.
Những ngày này, gia đình ông Sửu và một số hộ dân trong xóm đang bận rộn thu hoạch ngọn su su. Từ 4 giờ sáng, người dân đã ra vườn cắt ngọn, bó lại, sẵn sàng chờ thương lái đến lấy hàng chuyển đi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ su su ở đây chủ yếu là T.X Phổ Yên và huyện Đại Từ. Ông Sửu cho biết: Chúng tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học trong trồng su su, bởi khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng thuận lợi vốn đã là điều kiện rất tốt để cây su su phát triển. Đặc điểm của cây su su là dễ trồng, thời gian thu hoạch kéo dài. Cây trồng 1 lần cho thu hoạch trong nhiều vụ, có thể kéo dài từ 2-3 năm. Cách chăm sóc cũng đơn giản, không mất nhiều công, lại ít sâu bệnh. Cây đặc biệt phát triển mạnh nhất vào mùa hè, từ thời điểm này, cây luôn tốt bời, cho thu hoạch liên tục.
Thấy được hiệu quả của cây su su, một số hộ trong xã đã chuyển đổi các loại cây màu khác sang trồng su su, đến nay, tổng diện tích trồng su su của xã khoảng 3ha với gần 10 hộ trồng. Người dân không chỉ tận dụng những diện tích bãi trống, mà những nơi cấy lúa kém hiệu quả, những diện tích trước đây trồng sắn, khoai cũng được chuyển sang trồng su su. Theo những người dân ở đây, so với cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, cây su su cho hiệu quả cao hơn gấp 6-7 lần.
Từ hiệu quả thực tế mà cây su su mang lại, UBND xã đã vận động bà con tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng Quân Chu thành vùng sản xuất su su hàng hóa, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo ra sản phẩm đặc trưng, góp phần mở hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nơi đây. Nhằm giúp bà con có thêm kiến thức về trồng su su hàng hóa, xã cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch su su an toàn. Đặc biệt, để tạo ra sản phẩm tốt, phát triển bền vững, xã tuyên truyền bà con sản xuất su su an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, để bước đầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm su su của địa phương, tạo uy tín trên thị trường.
Ông Đặng Huy Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết: Hiện nay, xã đã tạo được vùng trồng cây ăn quả tập trung gồm: Nhãn, bưởi, cam... bước đầu đã được nhiều nơi biết đến sản phẩm cây ăn quả ở đây. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục phát triển cây su su theo mô hình tập thể để đưa cây su su trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn ở địa phương. Trước mắt, bà con ở đây có mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để triển khai mô hình trồng su su theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao giá trị của cây su su được trồng tại địa phương.