Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

10:38, 18/04/2019

Sau 3 năm triển khai thực hiện thỏa thuận phối hợp giữa Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và Hội Nông dân tỉnh trong việc cho vay qua tổ đã khẳng định được hiệu quả thiết thực đối với tất cả các bên tham gia, nhất là với người vay. Tuy nhiên, việc phối hợp này cũng đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để nhân dân tiếp cận với nguồn vốn vay được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Nếu như trước đây, việc vay vốn được thực hiện trực tiếp giữa người có nhu cầu với cán bộ Agribank thì từ 3 năm nay, người vay chỉ cần thông báo với tổ trưởng tổ vay vốn của thôn, xóm, sau đó tổ trưởng tổ vay vốn sẽ có trách nhiệm thông báo với cán bộ ngân hàng. Trung bình từ 3-5 ngày sau khi cán bộ ngân hàng nắm bắt những thông tin cần thiết về người vay, mà trước hết là qua tổ trưởng tổ vay vốn, nếu đủ các điều kiện theo quy định thì người vay sẽ được giải ngân. Hồ sơ vay vốn cơ bản đều do cán bộ ngân hàng và tổ trưởng tổ vay vốn hướng dẫn, hoàn thiện. Không chỉ có thủ tục ngày càng đơn giản mà việc trả lãi hàng tháng của người vay cũng được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi một cách tối đa. Theo đó, hàng tháng, vào một ngày cố định, khi cán bộ ngân hàng thực hiện giao dịch tại xã, người vay có thể nộp lãi ngay tại trụ sở UBND xã mà không cần trực tiếp đến ngân hàng như trước. Cùng với đó, ở một số địa bàn hiện đang bắt đầu triển khai thí điểm việc nộp lãi cho tổ trưởng tổ vay vốn.

Tính đến cuối năm 2018, Agribank Chi nhánh tỉnh đã thành lập được 1.948 tổ vay vốn (tăng 52 tổ so với cuối năm 2017), dư nợ cho vay qua tổ đạt 3.207 tỷ đồng (tăng 3,4%). Theo ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên: Không chỉ là sự phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn mà việc thực hiện thỏa thuận này của Agribank Chi nhánh tỉnh còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể. Qua đó giúp các gia đình, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng một cách thuận tiện để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Cũng thông qua việc cho vay qua tổ, ngoài sự kiểm tra, giám sát của Agribank, vốn vay còn được các cấp hội, tổ trưởng tổ vay vốn theo dõi, đôn đốc và phản ánh kịp thời, để cán bộ ngân hàng nắm bắt được mục đích sử dụng vốn, giúp nâng cao chất lượng tín dụng…

Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp giữa Agribank với Hội LHPN và Hội Nông dân tỉnh cũng đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: Mức cho vay qua tổ còn thấp so với nhu cầu thực tế của nhiều hộ vay (từ 500 triệu đồng trở xuống, đối với các khoản vay từ 200 triệu đồng trở lên phải có tài sản bảo đảm); tỷ lệ tổ vay vốn xếp loại trung bình vẫn còn tới 26% và có 0,8% số tổ xếp loại yếu, cho thấy hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chưa cao. Một số địa bàn tuy đã thực hiện việc triển khai thí điểm ủy quyền cho tổ trưởng nộp lãi nhưng tổ trưởng chưa dám nhận do lo ngại về trách nhiệm; đa số các chi nhánh vẫn thu nợ trực tiếp từ tổ viên nên lượng khách đến thực hiện giao dịch trong ngày tại xã vẫn rất đông, tạo áp lực cho cán bộ ngân hàng cũng như khiến khách hàng phải chờ đợi…

Ở một khía cạnh khác, tại một số địa bàn, do lượng người đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngày càng nhiều khiến số lao động trong nông thôn giảm, kéo theo nhu cầu vay vốn giảm; một số khác được nhận tiền đền bù nên có điều kiện trả nợ ngân hàng hoặc do số vay trên 500 triệu đồng nên xin ra khỏi tổ… Vì thế, mặc dù số tổ vay vốn tính đến cuối năm 2018 tăng hơn so với năm 2017 nhưng số thành viên lại giảm tới gần 1,7 nghìn người (tương ứng giảm 4,2%), trong đó nhiều nhất là ở các huyện Đại Từ, Phú Lương, T.X Phổ Yên.

Ông Nguyễn Văn Lục, Tổ trưởng Tổ vay vốn Chi hội Nông dân xóm 1, thôn Giã Trung, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) - một trong những tổ có dư nợ lớn (lên tới gần 14 tỷ đồng), với 79 tổ viên, chia sẻ: Thủ tục ngày càng đơn giản, nhanh chóng; lãi suất ở mức hợp lý, được nộp lãi ngay tại xã; nếu trả nợ trước hạn cũng không bị phạt phí trả trước… là những lợi ích rất thiết thực mà Agribank mang lại cho người vay. Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn còn thủ tục, hồ sơ gây khó khăn cho nhiều hội viên. Điển hình là quy định tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu người vay từ 18 tuổi trở lên đều phải ký ủy quyền tại xã. Vì thế, những hộ có con đi làm ăn xa hoặc lấy chồng đi nơi khác mà chưa chuyển khẩu sẽ rất vất vả thậm chí không thể tiếp cận được với nguồn vốn…

Để phát huy hiệu quả hơn nữa sự phối hợp giữa Agribank với Hội LHPN và Hội Nông dân tỉnh, ông Lã Hùng Cường cho biết: Trong thời gian tới, Agribank Chi nhánh tỉnh và 2 đơn vị nhận phối hợp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hội viên hiểu rõ về những chính sách ưu đãi của ngân hàng, từ đó tự nguyện vào tổ nhằm tăng quy mô dư nợ và hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, sẽ tiến hành việc kiện toàn hoạt động của các tổ, thay thế những tổ trưởng năng lực hạn chế; tăng cường công tác kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay và mở rộng việc thu lãi qua tổ trưởng, nhằm giảm áp lực khách hàng đông, cũng như những rủi ro trong ngày giao dịch thu nợ. Mục tiêu Agribank Chi nhánh tỉnh đặt ra trong năm 2019 là tăng dư nợ cho vay qua tổ thêm 10%; số tổ vay vốn xếp loại khá, giỏi đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm dưới 0,5% trong tổng dư nợ…