Tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp

08:05, 05/04/2019

Những năm gần đây, tác động của quá trình đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày càng bị thu hẹp, số lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng giảm đáng kể. Các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn chưa trở thành hàng hóa, khả năng ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất còn hạn chế nên chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch của người dân ngày càng lớn. Trước thực tế này, T.P Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2017-2020, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

Kỳ 1- Kết quả bước đầu mang lại tín hiệu tích cực

Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của T.P Thái Nguyên đề ra các mục tiêu: Xây dựng nông nghiệp phát triển theo hướng CNC, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh lớn; hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ sạch, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 20% trở lên trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương… Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án, kết quả đạt được bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực.

Thời gian qua, từ mục tiêu chung được xác định, các cấp, ngành liên quan của T.P Thái Nguyên đã từng bước triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo lộ trình, kế hoạch và có những giải pháp cụ thể. Trong đó, các mô hình trồng rau, hoa, chè và cây ăn quả ứng dụng CNC được ưu tiên thử nghiệm để nhân rộng. Cùng với đó, Thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, quảng bá về sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, nhằm nâng cao nhận thức và cập nhật kiến thức cho người nông dân để họ tiếp cận với phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến….

Theo đó, sau hơn 2 năm, T.P Thái Nguyên đã xây dựng được nhiều mô hình điểm trình diễn về sản xuất rau ứng dụng CNC tại các xã, phường: Huống Thượng, Linh Sơn, Đồng Bẩm, Đồng Liên, Thịnh Đức, với diện tích 17ha. Tổ chức tập huấn kỹ thuật về sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận VietGAP, hỗ trợ vật tư làm nhà màng, nhà lưới, thuốc bảo vệ thực vật;  Hướng dẫn, hỗ trợ HTX Xuân Đám, xã Đồng Liên sản xuất rau, củ, quả an toàn trong hệ thống nhà kính, nhà lưới, với quy mô 7,5ha; hỗ trợ tổ hợp tác xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức sản xuất rau an toàn, hoa chất lượng cao trong nhà kính, với diện tích 3.000m2; tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao tại các phường, xã: Túc Duyên, Đồng Bẩm, Thịnh Đán, Gia Sàng và xã Đồng Liên.

Đối với sản xuất chè, T.P Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT khảo sát, lập quy hoạch sản xuất chè tập trung ứng dụng CNC với diện tích 500ha tại các vùng chè, trong đó: Xã Tân Cương 200ha, Phúc Xuân 100ha, Phúc Trìu 200ha. Sử dụng giống chè có năng suất, chất lượng, chủ yếu là những giống phục vụ cho sản xuất chè xanh chất lượng cao, triển khai trồng mới, trồng thay thế chè giống LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, trung du bằng phương pháp nhân giống vô tính (giâm hom) với diện tích 81ha. Triển khai công nghệ tưới tiết kiệm phun mưa cho chè tại 4 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, với 266 hộ tham gia, giúp bà con nông dân tiết kiệm tối đa nhân công lao động và nguồn nước tưới. Phối hợp với Sở Công Thương, Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ chuyển giao 5 máy làm đất đa năng; 11 bình phun dinh dưỡng qua lá bằng động cơ cho các  xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Đồng Bẩm; hỗ trợ 7 máy sao chè tự động sử dụng nhiên liệu gas cho cơ sở sản xuất chè xã Phúc Trìu, Tân Cương; 3 máy diệt men chè, 3 máy hút chân không đóng gói sản phẩm chè...

Đối với cây ăn quả, các phòng, ban chức năng T.P Thái Nguyên thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm các loại quả sau thu hoạch. Đối với vùng trồng ổi xã Linh Sơn, đã hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận VietGAP, với diện tích 5ha, hỗ trợ thực hiện mô hình thâm canh ổi… Thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã hỗ trợ Công ty CP Dược thú y Trung Anh xây dựng Trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC tại phường Đồng Bẩm. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại, với diện tích 3.000m2 để trồng rau, dưa lưới, hoa tươi chất lượng cao…

Có thể thấy, việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang tạo thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, với chất lượng, hiệu quả rất rõ nét. Như khu Trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC tại xóm Nhị Hòa, phường Đồng Bẩm trước đây là một cơ sở chế biến nông sản thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, nhưng giờ vùng đất này đã được thay thế bởi mô hình trồng rau, hoa hiện đại, tươi tốt quanh năm. Hay đến thăm vùng chè đặc sản xã Tân Cương, nhiều vườn chè nay đã được trang bị hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm... là những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm trà sạch, chất lượng mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân và doanh nghiệp khi thực hiện mô hình.  

(Còn nữa)