Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2017-2020, T.P Thái Nguyên đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay cũng cho thấy, hầu hết những địa chỉ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đều do địa phương hỗ trợ kinh phí theo các chương trình, đề án. Còn các hộ dân, doanh nghiệp (DN) tự bỏ vốn ra để thực hiện là rất hiếm. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ, khi triển khai dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa lan trong nhà kính tại Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên).
Thời gian qua, mặc dù T.P Thái Nguyên luôn khuyến khích, kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nhưng trên thực tế số DN đầu tư vào lĩnh vực này còn rất khiêm tốn. Trong tổng số 23 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn Thành phố trong thời gian gần đây thì chỉ có 3 DN đăng ký nghiên cứu đầu tư 4 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Dự án nông trại trồng chè và nhà máy sản xuất, chế biến chè sạch, chất lượng cao tại vùng chè đặc sản Tân Cương do Công ty cổ phần (CP) My Way Việt Nam đăng ký với diện tích 50ha tại xã Phúc Xuân; Dự án sản xuất chè ứng dụng CNC gắn với du lịch sinh thái tại vùng chè đặc sản Tân Cương, do Công ty CP chè Tân Cương Hoàng Bình đăng ký với diện tích 50ha; Công ty CP Dược thú y Trung Anh đăng ký thực hiện 2 dự án, gồm: Dự án đầu tư xây dựng trung tâm ứng dụng CNC với diện tích thực hiện 10ha tại phường Đồng Bẩm và Dự án trang trại tổng hợp nông nghiệp CNC với diện tích 100ha tại xã Huống Thượng. Tuy nhiên, đến nay, Dự án sản xuất chè ứng dụng CNC gắn với du lịch sinh thái tại vùng chè đặc sản Tân Cương đã rút khỏi danh sách đăng ký nghiên cứu đầu tư.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến các DN chưa “mặn mà” với việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên là do việc đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thường phải bỏ ra nguồn vốn lớn, ngược lại tỷ lệ sinh lời thấp, thu hồi vốn lâu lại hay rủi ro do thiên tai, bệnh dịch. Bà Đỗ Thị Đức Lý, Giám đốc Công ty CP chè Tân Cương Hoàng Bình phân tích: Nếu Thành phố muốn thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thì cần có cơ chế ưu đãi hơn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong khâu giải phóng mặt bằng. Về việc tạo mặt bằng cho các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, có thể Thành phố thu hồi đất sau đó cho DN thuê lại với giá ưu tiên. Còn về Dự án sản xuất chè ứng dụng CNC gắn với du lịch sinh thái vùng chè đặc sản Tân Cương được rút khỏi danh sách đăng ký nghiên cứu đầu tư, bà Lý cho rằng: Việc Công ty phải bỏ hàng chục tỷ đồng ban đầu để tự thỏa thuận với nhân dân trong khâu giải phóng mặt bằng là điều không thể, vì trồng chè thì ít nhất sau 3 năm mới cho thu hoạch và từ 5 đến 10 năm mới được thu hoạch ổn định. Với số tiền giải phóng mặt bằng như vậy, cộng với tiền trả lãi vay ngân hàng và thuê nhân công thì chúng tôi nhận thấy việc thực hiện Dự án không khả thi…
Ngoài cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các DN đầu tư trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thì hiện nay các hộ dân hoặc tổ sản xuất, hợp tác xã muốn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn manh mún, đường giao thông vào một số khu sản xuất khó khăn cũng là rào cản trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở T.P Thái Nguyên.
Từ thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một xu thế tất yếu đối với một đô thị lớn như T.P Thái Nguyên nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường đô thị rộng lớn, hình thành nền nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, hiện đại và thân thiện với môi trường… Để thực hiện tốt Đề án, Thành phố cũng đưa ra các giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục thực hiện các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, vận động người dân dồn điền, đổi thửa tham gia các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC… Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo các chương trình, đề án thì sẽ thiếu bền vững, bởi lẽ khi không còn được hỗ trợ từ các chương trình, đề án nhiều hộ sẽ bỏ cuộc. Vậy nên, khuyến khích các DN, người dân tự bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, để họ say sưa, tâm huyết, trăn trở với đồng ruộng mới là vấn đề cốt lõi để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất. Mong rằng những tâm sự của đại diện các DN và người dân quan tâm đến phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC nêu trên sẽ là kênh thông tin hữu ích để Thành phố điều chỉnh cơ chế hỗ trợ hoặc góp ý kiến cho tỉnh trong việc thực hiện chính sách khuyến khích các DN và người dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.