Tạo đà vững chắc để vươn tới

15:19, 22/04/2019

Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết tâm của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, thành quả đạt được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, cùng với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các lĩnh vực về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, giáo dục, y tế, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính… đều có bước chuyển vượt bậc, mang tính bền vững. Đây chính là kết quả tạo đà vững chắc để tỉnh ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã được Nghị quyết đề ra.

Bài 1: Thu hút đầu tư - Những con số ấn tượng

Nằm trong tốp các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 79 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 4 cả nước; thu ngân sách Nhà nước đứng thứ 16 trong 63 tỉnh, thành phố… là những kết quả nổi bật tỉnh ta đạt được sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020). Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công này chính là sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Hiệu ứng từ Samsung

Ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch là nhận định chung của các nhà đầu tư khi nói về môi trường kinh doanh của tỉnh trong những năm gần đây. Nếu như trước năm 2011, trung bình mỗi năm tỉnh chỉ thu hút được 1-2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và số doanh nghiệp (DN) thành lập mới chỉ đạt từ 200-300 DN thì từ năm 2013, bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh đã có sự khởi sắc mạnh mẽ khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) triển khai thực hiện dự án đầu tư 5 tỷ USD xây dựng Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình trên địa bàn T.X Phổ Yên, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những điểm sáng về thu hút dự án FDI. Chỉ tính riêng năm 2013, Thái Nguyên đã có tới 22 dự án được cấp mới. Nhờ “hiệu ứng” Samsung nên đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 132 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 7,6 tỷ USD (tương đương khoảng 170.000 tỷ đồng), vươn lên đứng trong tốp 10 của cả nước về thu hút vốn FDI.

Cùng với các DN FDI, những năm qua cũng ghi nhận sự lớn mạnh và phát triển của các DN trong nước, với số DN thành lập mới đạt trên dưới 600 DN/năm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6,6 nghìn DN, với số vốn đăng ký 82,3 nghìn tỷ đồng; 777 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký trên 140 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục khẳng định sự quyết tâm

Không bằng lòng với kết quả đạt được, khi mà nhận thấy còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế của Thái Nguyên chưa khai thác hiệu quả nên tháng 7-2018, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Thành công của Hội nghị được đánh giá là vượt ngoài mong đợi khi mà có tới 456 đoàn tham dự. Theo đó, đã có 50 dự án được trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 47 nghìn tỷ đồng. Cũng tại Hội nghị này, nhiều cam kết đã được tỉnh đưa ra, nhằm tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư cũng như sự nhất quán trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị. Đó là việc cam kết tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay kiến nghị từ phía DN thông qua đường dây nóng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh; là việc đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào DN; là cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ; là hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng…

Thành công sau Hội nghị tiếp tục tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ khi có thêm hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư và ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Tính đến nay, số dự án đăng ký thực hiện trên địa bàn tỉnh đã lên tới 64, của 45 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 114 nghìn tỷ đồng.

Để triển khai nội dung các dự án đã thống nhất ký kết, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, khẳng định sự quyết tâm giữa tỉnh Thái Nguyên với các nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các thủ tục theo quy định và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo Thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh đã được thành lập và mỗi tháng, đều phải báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến độ thực hiện. Trên cơ sở này, dự án nào gặp khó khăn, vướng mắc đều kịp thời được nắm bắt, tháo gỡ; công việc nào chậm triển khai được đôn đốc, nhắc nhở.

Đặc biệt, để môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến trong thời gian tới, ngày 29/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên cơ sở nâng cấp Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”. Theo đó, mục tiêu chung mà Nghị quyết đề ra đó là “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành quyết liệt của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Còn nhiều việc phía trước

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên: Nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, qua đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư với những dự án lớn, có hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Việc một số sở, ngành, địa phương tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN chính là sự cụ thể hóa các cam kết mà tỉnh đã đưa ra. Qua đó, giúp nhiều khó khăn, vướng mắc của DN được quan tâm, giải quyết kịp thời… Tuy nhiên, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được khắc phục, khiến nhiều dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc đầu tư, mở rộng quy mô của doanh nghiệp.

Còn theo ông Park Su Ho, Tổng Giám đốc Công ty TNHH RFtech Thái Nguyên: Trong quá trình đầu tư và đi vào hoạt động tại Thái Nguyên từ năm 2013 đến nay, Công ty nhận được nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh. Tuy nhiên, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Thái Nguyên, tôi mong, lãnh đạo tỉnh sẽ tăng cường gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với DN FDI để chúng tôi có thể kiến nghị những vấn đề phát sinh; hay như việc tăng giá các dịch vụ trong KCN, nên có sự trao đổi, thỏa thuận trước với DN…

Khẳng định những kết quả tỉnh đạt được trong thời gian qua là rất ấn tượng, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Thái Nguyên vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi khoảng cách về sự phát triển không đồng đều đang ngày càng được tạo ra giữa các địa phương, giữa khu vực thành thị với nông thôn; việc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm nhanh ngành nông nghiệp còn 11% rất đúng với chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Đảng, Nhà nước nhưng hiện nay kết quả này lại đang phụ thuộc quá lớn vào khối DN FDI, trong đó Samsung được xem là nhân tố mang tính chất quyết định.

Bởi trên thực tế, hiện giá trị xuất khẩu hàng hóa hay giá trị sản xuất công nghiệp của khối DN FDI đang chiếm tỷ trọng lên tới 97-98% của cả tỉnh; số thuế nộp vào ngân sách cũng chiếm khoảng 50% tổng thu… (riêng Samsung đóng góp khoảng 80% tổng thu từ DN FDI). Thực tế này được ví như việc để trứng chung một rọ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi chỉ cần DN đầu tàu này gặp khó khăn, sẽ dẫn đến giảm tốc, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như các chỉ tiêu khác. Chính vì thế Thái Nguyên cần không để phụ thuộc quá nhiều vào “ông lớn” này. Và để làm được điều đó thì một trong các giải pháp được nhiều người nhắc đến đó là tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa đối với các DN nội, đặc biệt là DN nhỏ và vừa để giúp tăng năng lực, sức cạnh tranh cho họ trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Có thể nói, thu hút đầu tư đã và đang mở ra rất nhiều kết quả và cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo tiền đề quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục thu hút hiệu quả các dự án trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới, nhằm phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững, có thể trở thành một cực tăng trưởng mới của các tỉnh miền Bắc như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Nhưng để đạt được hiệu quả bền vững, lâu dài thì những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay cũng cần sớm được đưa ra.

Tính đến tháng 3-2019, trong tổng số 11 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 3 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang tiếp tục được triển khai; đối với 6 dự án được trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đều đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; 45/47 dự án ký biên bản ghi nhớ đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, cơ bản được triển khai theo đúng kế hoạch và nội dung cam kết, 2 dự án xin thôi không thực hiện tiếp tục được tỉnh mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực nghiên cứu để đề xuất đầu tư.

(Còn nữa)