Sau 5 năm triển khai (từ năm 2015 đến nay), Dự án trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Việc phát triển cây quế không chỉ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
Từ trung tâm xã Tân Thịnh (Định Hóa), chúng tôi chạy xe máy theo con đường độc đạo, ngoằn ngoèo dài khoảng 5km để đi đến các thôn: Khuổi Lừa, Nà Chúa, Làng Duyên… Cả đoạn đường, chúng tôi đi chầm chậm, vừa để trò chuyện, vừa ngắm những đồi quế xanh ngắt, vút cao. Đồng chí Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh chia sẻ: Thực hiện Dự án trồng quế của huyện, từ năm 2015 đến nay, bà con nhân dân trong xã đã trồng được gần 300ha cây quế. Hiện, những diện tích quế trồng đầu tiên đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân.
Để dẫn chứng, đồng chí Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Giang, thôn Thâm Yên - một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây quế về trồng tại địa phương. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Giang cho biết: Gia đình tôi có 5ha đất rừng sản xuất. Trước đây, tôi chỉ trồng cây keo lai, sau khoảng 7-10 năm cây keo lai cho thu hoạch trung bình từ 70-80 triệu đồng/ha. Từ năm 2015, thực hiện Dự án trồng quế của huyện, tôi đăng ký trồng thử 2ha. Gia đình tôi được hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Nhờ tích cực chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, rừng quế của gia đình tôi phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Đầu năm 2019, tôi đã tiến hành khai thác tỉa thân, cành, lá của một số cây to được trên 20 tấn sản phẩm. Doanh nghiệp đến tận nơi thu mua với giá 1.500 đồng/kg cành, lá tươi, gia đình tôi thu được 30 triệu đồng.
Theo tính toán của ông Giang, từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, với 1ha quế, trung bình mỗi năm gia đình ông sẽ thu về khoảng 25 triệu đồng từ việc khai thác tỉa cành, lá và vỏ cây quế. Sau năm thứ 15, rừng quế sẽ cho khai thác trắng toàn bộ với giá trị khoảng 300 triệu đồng/ha. Nếu tính tổng thu nhập trong vòng 15 năm, 1ha quế sẽ đem lại giá trị kinh tế trên 550 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ hàng chục năm trước, cây quế đã được người dân tại một số xã trên địa bàn huyện Định Hóa như: Kim Sơn, Quy Kỳ, Phú Đình, Trung Lương… đưa vào trồng rải rác với diện tích khoảng 200ha trên toàn huyện. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên cây quế sinh trưởng, phát triển rất tốt và có hàm lượng tinh dầu cao. Thực tế cho thấy, sau khoảng 15 năm chăm sóc, 1ha quế đã cho người dân thu nhập từ 450-550 triệu đồng, cao gấp khoảng 4 lần so với cây keo, gấp khoảng 5,5 lần so với cây mỡ tại địa phương. Giá trị kinh tế là vậy, tuy nhiên, người dân trên địa bàn huyện vẫn không mặn mà với loại cây trồng này. Nguyên nhân một phần là do trồng quế đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn (khoảng 11 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp khác). Mặt khác, sản phẩm từ cây quế khó tiêu thụ vì tại địa phương chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn.
Xuất phát từ thực tế trên, nhận thấy triển vọng từ cây quế có thể giúp người dân thoát nghèo và làm giàu, năm 2015, sau nhiều lần nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ “thủ phủ” trồng quế tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, UBND huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại thị trấn Chợ Chu) xây dựng Dự án trồng quế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2015-2020. Thực hiện Dự án, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa liên kết với Công ty TNHH Vũ Hoa hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (gồm cây giống, phân bón) và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho người dân.
Cùng với đó, Công ty TNHH Vũ Hoa cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quế của người dân sau khi thu hoạch để phục vụ nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương (dự kiến sẽ xây dựng vào năm 2020). Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Định Hóa đã trích ngân sách trên 8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thực hiện Dự án trồng quế. Công ty TNHH Vũ Hoa cũng hỗ trợ người dân trên 2,5 triệu cây giống (tương đương gần 4 tỷ đồng).
Được sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia Dự án trồng quế. Sau 5 năm triển khai, toàn huyện đã trồng được trên 2.250ha quế, tập trung chủ yếu ở các xã: Quy Kỳ, Linh Thông, Điềm Mặc, Sơn Phú, Bình Thành, Tân Thịnh, Tân Dương, Bảo Cường, Bảo Linh… Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo Dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Theo đánh giá của người dân, ít có loại cây trồng nào ở miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Hiện nay, sản phẩm lá, cành quế tươi đang được Công ty TNHH Vũ Hoa thu mua tại địa phương với giá 1.500 đồng/kg; vỏ quế tươi 20.000 đồng/kg; thân cây gỗ quế 2,8 triệu đồng/m3 (cao gấp 1,5 lần so với gỗ keo). Nếu như các loại cây lâm nghiệp khác ở địa phương như: Keo, mỡ, bạch đàn… chỉ cho thu hoạch 1 lần duy nhất trong suốt vòng đời sinh trưởng từ 7-10 năm thì cây quế lại cho người dân khai thác tỉa nhiều lần từ năm thứ 5 đến khi được thu hoạch toàn bộ vào năm thứ 15. Vì vậy, lợi ích kinh tế của cây quế đem lại hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, diện tích quế toàn huyện đạt trên 2.500ha, thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia Dự án trồng quế; đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ để người dân mở rộng diện tích, từng bước hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục xây dựng Nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương để bao tiêu sản phẩm cho người dân…
Cây quế là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao. Mỗi năm cây quế cho thu hoạch 2 vụ, vụ đầu năm (từ tháng 3-5) và vụ cuối năm (từ tháng 8-10). Hiện nay, trên thị trường sản phẩm từ cây quế đang rất được ưa chuộng. Vỏ cây quế thường sử dụng làm thuốc, gia vị cho các món ăn hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm phong phú như: Quế ống, bột quế, đồ thủ công mỹ nghệ… Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Ngoài ra, thân cây quế cũng là một loại gỗ rất tốt, có màu nâu nhạt, thớ thẳng, mịn, thường được sử dụng để chế tạo các đồ gia dụng. |