Thời gian qua, với sự hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của bà con nông dân, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh từng bước được hình thành, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Phú Bình được biết đến là địa phương đi đầu trong phong trào dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất hình thành những cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng một giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về xã Tân Đức những ngày này, chúng tôi thấy bà con đang tích cực bón phân, chăm sóc cây lúa lên xanh mơn mởn. Ông Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lớn, được Nhà nước đầu tư xây dựng cải tạo kênh mương, đường giao thông nội đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí công lao động. Đa phần trên cánh đồng mẫu lớn, bà con gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như J02, TBR225, GS9. Đặc biệt, trên địa bàn đã có 1 doanh nghiệp là Tập đoàn Quế Lâm ký cam kết tiêu thụ lúa J02 hữu cơ cho bà con. Cùng với Tân Đức, sau hơn 2 năm hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đến nay, Phú Bình đã có thêm 2 vùng sản xuất lúa tập trung ở các xã Úc Kỳ và Xuân Phương với tổng diện tích 170ha.
Còn đối với Phổ Yên, hiện nay, Thị xã đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh rau ở phường Ba Hàng và các xã Đông Cao, Tân Phú, Tiên Phong với diện tích khoảng 90ha. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên khẳng định: Tiềm năng phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Thị xã là rất lớn, bởi có Khu công nghiệp Yên Bình trên địa bàn, lại giáp ranh với Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phát triển các vùng trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm không ngừng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Đồng thời, vận động bà con tích cực áp dụng các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để giảm chi phí vật tư, công lao động, tăng năng suất lao động để cạnh tranh trên thị trường.
Nếu như huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên hình thành vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực như gạo, rau màu, hoa… thì huyện vùng cao Võ Nhai với địa hình phức tạp, miền núi xen kẽ đồng bằng đã chọn hướng phát triển các vùng cây ăn quả. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh như: Na La Hiên 300ha; bưởi diễn, bưởi hoàng ở xã Tràng Xá 200ha; quýt, ổi ở xã Phú Thượng 100ha...
Ngoài các vùng sản xuất lúa gạo, cây ăn quả tập trung, hiện nay, toàn tỉnh có 15 địa điểm sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với quy mô 127ha; 23ha sản xuất hoa ứng dụng nhà lưới, nhà kính, điện thắp sáng và hệ thống tưới nước tự động; 855ha chè ứng dụng hệ thống tưới nước tự động trong sản xuất; 97 điểm sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích trên 1.000ha. Để khuyến khích hình thành các vùng sản xuất tập trung, trong phương án sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm, UBND tỉnh đều bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể.
Có thể thấy, việc hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên thế mạnh của từng địa phương đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho người dân trong tỉnh; đồng thời, cung cấp cho các tỉnh lân cận và phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, thông qua hỗ trợ triển khai các vùng sản xuất hàng hóa, giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy sản xuất, trên cơ sở đảm bảo chất lượng sản phẩm, gắn với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế địa phương.
Là một trong những người tiên phong trồng cây ăn quả tại địa phương, hiện nay, gia đình ông Hoàng Văn Bạo, xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) có trên 400 gốc cam Vinh. Trung bình, mỗi năm, gia đình ông thu được gần 40 tấn quả, thu lãi hơn 400 triệu đồng. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Bạo chia sẻ: Trước đây, bà con chúng tôi chỉ biết trồng sắn rồi trồng ngô, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống rất khó khăn. Từ khi chuyển sang trồng cam Vinh, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho cây, giờ tôi đã nắm được quy trình kỹ thuật cũng như các phòng trừ sâu bệnh để cam đẹp mã, nhiều nước. Tôi cũng không ngần ngại chia sẻ, hướng dẫn bà con trong xóm kỹ thuật trồng cam. Nhờ tập trung phát triển cây ăn quả, xóm tôi đã có nhiều hộ vươn lên khá giả, có tiền đóng góp làm đường bê tông vào tận vườn để thuận tiện trong việc xuất bán nông sản.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Hiện nay, tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đang dần thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Qua đó, bước đầu kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và tiêu thụ. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và xuất khẩu các sản phẩm để hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.