Cần gỡ khó trong phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may

14:20, 14/05/2019

Hiện nay, công nghiệp may chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu địa phương của tỉnh. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành nghề này lại chưa phát triển tương xứng, khiến các doanh nghiệp may trong tỉnh khó phát huy hết năng lực sản xuất.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nghiệp may đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2010-2015, doanh thu ngành may tăng trưởng nhanh chóng từ 660 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, sản phẩm may là một trong số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh ta. Tiêu biểu như năm 2018, giá trị xuất khẩu dệt may đạt 300 triệu USD, tương đương với tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay với trên 22,4%.

Ngoài ra, hằng năm các doanh nghiệp may còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn người lao động. Theo dự báo, đến năm 2020, sản phẩm may sẽ chiếm tỉ trọng 0,64% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, từ ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang có hiệu lực mở ra cơ hội lớn cho sản xuất và xuất khẩu dệt may. Vì thế, các doanh nghiệp may ngày càng mong được tiếp cận với CNHT để nâng cao giá trị sản xuất của mình.

Tuy nhiên, CNHT dệt may trong tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế. Từ khi công nghiệp may phát triển đến nay, trong tỉnh chưa có nhà máy CNHT dệt may nào, sản xuất từ cúc, mex, xốp, chỉ dây, khóa kéo đến sợi, hóa chất - chất trợ nhuộm, vải. Không tiếp cận được nguyên, phụ liệu là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp may trong tỉnh chủ yếu hoạt động sản theo phương thức gia công đơn giản, còn đối với phương thức xuất khẩu FOB (tự chủ về nguyên, phụ liệu) mang lại giá trị gia tăng cao thì chỉ có một số doanh nghiệp tiếp cận được.

Ông Vũ Xuân Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CP) May xuất khẩu Phú Lương cho biết: Toàn bộ sản phẩm may của chúng tôi là gia công cho Hàn Quốc và Mỹ. Do đó, nguyên phụ liệu đều do đối tác cung cấp, Công ty chỉ thực hiện cắt, may sản phẩm. Lợi nhuận vì thế mà không cao.

Tương tự như Công ty CP May Thành Hưng, Chi nhánh Công ty CP May Chiến Thắng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT cũng đều sản xuất theo hình thức gia công đơn thuần. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng phân tích: Dù biết rằng xuất khẩu FOB sẽ làm tăng giá trị lợi nhuận nhưng chúng tôi không thể đi mua nguyên liệu từ bên ngoài với giá thành cao. Thay vào đó, doanh nghiệp đã chọn nhận gia công cắt, may cho các hãng thời trang nổi tiếng, với mức lợi nhuận thấp hơn.

Được biết, hiện nay tỉnh ta có Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là một trong số rất ít đơn vị có đơn hàng xuất khẩu theo hình thức FOB. Tuy nhiên, thực chất nguồn nguyên liệu làm hàng FOB của đơn vị phần đa vẫn do khách hàng chỉ định (trong khi FOB thuần túy là phải do doanh nghiệp tự quyền quyết định với giá trị gia tăng cao nhất). Cũng vì điều này mà nhiều năm qua, Công ty luôn trăn trở tìm hướng nâng cao giá trị xuất khẩu FOB bằng cách tự đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ cho mình. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị cũng chỉ mới dừng lại ở sản phẩm phụ trợ đơn giản như bông, túi nhựa, thùng carton đựng sản phẩm còn các nguyên phụ liệu đem lại giá trị gia tăng cao như sợi, vải, chỉ thì vẫn phải nhập từ bên ngoài.

Theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương: Nhu cầu phát triển CNHT dệt may trong tỉnh là rất lớn, nhất là khi may mặc được xác định là sản phẩm kinh tế chủ lực của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trước hết là do khả năng của doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế, bởi lĩnh vực này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực về tài chính, có công nghệ sản xuất và hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đồng bộ. Thêm vào đó, hiện nay tỉnh chưa có các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung phù hợp với ngành nghề sản xuất CNHT dệt may, nhất là đối với các sản phẩm như sợi, vải, thuốc nhuộm, chất tẩy.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, theo ông Quyết, Sở Công Thương đang tham mưu với UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh trong đó có ngành dệt may; qua đó đề xuất với tỉnh xây dựng Chương trình phát triển CNHT tỉnh đến năm 2025 và Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT đến năm 2025 trong thời gian tới…