Đổi thay ở Cây Coóc

15:34, 19/05/2019

Nằm ẩn mình giữa bốn bề núi non hiểm trở, thôn Cây Coóc, xã Bình Thành (Định Hóa) là nơi sinh sống của 56 hộ gia đình người dân tộc Sán Chí. Trước đây, thôn Cây Coóc là một vùng đất nghèo đói, lạc hậu… Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bà con, đời sống của người dân Cây Coóc đã có nhiều đổi thay tích cực.

Với 5 sào chè lai LDP1, mỗi năm, gia đình bà Vũ Thị Thu thu nhập trên 100 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với giống chè trung du trước đây.

Theo lời kể của những cụ cao niên trong thôn, Cây Coóc trước kia vốn là một vùng đất hoang vu, bốn bề bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp. Đầu thế kỷ XX, đồng bào dân tộc Sán Chí từ các tỉnh lân cần đã di cư đến đây khai hoang, sinh sống. Ngày đó, thôn chỉ có khoảng chục nóc nhà. Đường vào thôn chỉ là một lối mòn dân sinh. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào rừng núi, quanh năm đi lấy măng rừng, săn bắt chim thú để sinh sống qua ngày. Vì thế mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, đời sống của người dân thôn Cây Coóc  đã từng bước được cải thiện. Để minh chứng cho sự đổi thay ở nơi đây, Trưởng thôn Trần Văn Quỳnh dẫn chúng tôi đi thăm một vòng qua những cánh đồng lúa, đồi chè xanh mướt, những ngôi nhà khang trang, trường học, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt… được đầu tư đồng bộ.

Năm 2012, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, thôn Cây Coóc được đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường dài 1,3km từ trung tâm xã vào thôn. Cùng với đó, hệ thống kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt tập trung… cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Không chỉ được đầu tư về cơ sở hạ tầng, người dân thôn Cây Coóc còn được hỗ trợ về giống, phân bón, được tập huấn và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, tư duy, nếp nghĩ, cách làm của bà con trong thôn từng bước được thay đổi.

Phát huy lợi thế từ rừng, những năm gần đây, người dân thôn Cây Coóc đã mạnh dạn đăng ký trồng rừng theo các chương trình, dự án của Nhà nước. Nếu như trước đây, diện tích đất lâm nghiệp của người dân chủ yếu bị bỏ hoang thì nay đã được phủ xanh bởi những cánh rừng keo, rừng quế xanh mướt. Theo thống kê, hiện nay, thôn có gần 90ha rừng sản xuất, trong đó, nhiều diện tích rừng đã bắt đầu cho thu hoạch. Trồng rừng sản xuất không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Gia đình ông Trần Văn Trương là một ví dụ điển hình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương cho biết: Trước đây, dù có trong tay gần 10ha rừng nhưng gia đình tôi chủ yếu bỏ hoang. Từ năm 2008, thực hiện Dự án trồng rừng 661, gia đình tôi đăng ký trồng 3ha keo. Được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và tập huấn khoa học kỹ thuật, gia đình tôi kiên trì chăm sóc, sau hơn 7 năm, 3ha keo của gia đình tôi đã cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế hơn 200 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã từng bước vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Thấy lợi ích kinh tế từ trồng rừng, năm 2016, ông Trương tiếp tục đầu tư trồng thêm 6ha keo và 0,5ha cây quế. Hiện nay, rừng keo và quế của gia đình ông đang phát triển tốt. Theo tính toán của ông Trương, sau khoảng 3-4 năm nữa, rừng keo và quế của gia đình ông sẽ cho thu hoạch với giá trị kinh tế trên 500 triệu đồng.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế rừng, người dân thôn Cây Coóc còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước kia, đời sống kinh tế bà con chủ yếu dựa vào cây trồng truyền thống là cây lúa nương và ngô nương. Thì nay, những loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, như: Lúa lai, ngô lai, khoai tây, bí đỏ và các loại cây ăn quả… được người dân đưa vào gieo trồng ngày càng phổ biến, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, bà con trong thôn đã chuyển đổi dần diện tích chè trung du năng xuất thấp sang trồng các giống chè lai, chè cành cho năng suất cao như: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân… Theo thống kê, hiện nay, thôn có trên 15ha chè sản xuất, trong đó, diện tích chè lai, chè cành chất lượng cao chiếm trên 90%. Vài năm trở lại đây, các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương như: Trâu, bò, lợn, dê, ngan, vịt… cũng được bà con đưa vào chăn nuôi ngày càng nhiều. Trong thôn hiện có gần 500 con gia súc và trên 3.500 con gia cầm…

Nhờ tích cực phát triển sản xuất, không trông chờ ỉ nại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, đời sống của người dân thôn Cây Coóc  ngày càng được nâng lên. Minh chứng rõ nhất là mức thu nhập bình quân đầu của người dân trong thôn hiện nay đã đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Trong thôn giờ đây không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 100% (năm 2008) xuống còn 7,1% (năm 2018). Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều có ti vi, xe máy; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường… Chất lượng cuộc sống được nâng lên, người dân ngày càng quan tâm hơn đến đời sống văn hóa tinh thần. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đều đạt trên 80%; các hủ tục lạc hậu trước kia đã được người dân xoá bỏ, việc cưới xin, ma chay giờ đây đã được thực hiện theo nếp sống mới. Đặc biệt, thôn Cây Coóc là địa bàn nhiều năm không có người nghiện ma túy… 

Từ mảnh đất nghèo khó năm nào, thôn Cây Coóc giờ đây đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân trong thôn, trong tương lai, Cây Coóc sẽ tiếp tục trở thành điểm sáng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Định Hóa.