Gần một năm nay, ở xóm Trung và xóm Hạ, xã Yên Đổ (Phú Lương) chính thức có sản phẩm chè an toàn. Sản phẩm do các thành viên Tổ sản chè (Hợp tác xã nông sản an toàn Yên Đổ) sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây là một hướng mở trong phát triển kinh tế của người trồng chè Yên Đổ.
Bà Nguyễn Thị Mai, tổ trưởng tổ sản xuất chè cho biết: Tổ sản xuất được thành lập từ tháng 4-2018, gồm 27 gia đình thành viên ở xóm Hạ và xóm Trung, với tổng diện tích 5ha đất chè (hơn 95% diện tích đang cho thu hoạch, năng suất đạt gần 2,3 tấn búp tươi/ha/lứa). Tuy mới làm chè theo quy trình VietGAP từ hơn 1 năm nay, nhưng hoạt động của tổ đã làm chuyển biển tích cực tư duy sản xuất chè của người dân.
Qua câu chuyện của bà Mai chúng tôi còn được biết: Từ lâu, vùng đất này đã có cây chè, nhưng không được chăm bón. Bà con thấy chè có búp thì thu hái, song chủ yếu lấy lá đun uống tươi, cá biệt có hộ biết làm chè thủ công, cực nhọc cả buổi mới được mấy lạng chè khô. Cây chè không được bà con mặn mà, nhiều vạt chè bị cây lâm nghiệp lấn át. Tuy nhiên đây là vùng có thổ nhưỡng hợp cho cây chè phát triển nên từ trước năm 2000, những người làm công tác khuyến nông đã thay nhau về vận động vận động, hướng dẫn cho người dân trồng chè để xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nghe có lý, bà con đã bảo nhau cùng dành đất trồng chè vơi hy vọng cây chè sẽ mang lại thu nhập khá hơn.
Ông Lương Văn Quý, cán bộ xã đưa chúng tôi đi qua những con đường bê tông chạy dọc từ xóm Trung, sang xóm Hạ, qua từng đồi chè lấp xấp bảo: Cây chè ở đây được một số nhà khoa học đánh giá là có hàm lượng ta lanh cao, nên trà uống đượm vị, cảm nhận có mùi hương cốm dậy lên từ đáy chén. Nếu thu hái nguyên nõn búp, sao theo cách truyền thống, chè bán được tiền triệu. Cũng vì thế mà tư thương, người tiêu dùng ở nhiều nơi đến tận nhà đặt mua chè của các gia đình. Còn ông Cao Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Từ hiệu quả kinh tế do cây chè mang lại đã tác động trực tiếp đến tư duy sản xuất của người nông dân. Nhất là trong kinh tế thị trường, bà con đều biết rất rõ việc xây dựng thương hiệu cho cây chè là cần thiết. Và bà con đã cùng hợp tác để sản xuất chè an toàn, với mục đích hướng tới một thương hiệu mạnh.
Vừa đi vừa trò chuyện chúng tôi đã đến nhà bà Linh, nơi bà con trong tổ sản xuất đang thu hái chè. Bà Linh không khách sáo, vào chuyện: Trước đây, mạnh nhà ai nhà nấy làm, chẳng theo một quy trình sản xuất nào, nên chè mất giá. Hơn một năm nay, vào tổ sản xuất, chúng tôi hiểu đầy đủ hơn về quy trình sản xuất chè. Hơn thế, biết chúng tôi thực hiện quy trình sản xuất chè theo chuẩn VietGAP, tư thương đến tận đầu lô chè đặt mua với từng hộ, giá bán từ 130 đến 150.000đ/kg, cao hơn so với trước từ 25 đến 30.000đ/kg. Chuyện hợp tác sản xuất chè an toàn, ông Dũng cho biết: Tham gia tổ sản xuất, mọi người được mở lòng để góp ý, giúp nhau kinh nghiệm sản xuất. Còn ông Đại chia sẻ: Chúng tôi làm đổi công, hoặc làm giúp nhau, nên chè không bị để quá lứa. Các quy trình sản xuất đều được ghi chép đầy đủ, kể từ việc bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh đến việc thu hái, chế biến chè.
Hoàng hôn giữa mùa hè không vội vã, mà đổ dài, phủ lên từng vạt đồi nằm sõng soài, gối lên nhau. Rồi cùng tiếng í ới của các bà, các chị gọi nhau trở về nhà sau một ngay lao động. Và từ một ngôi nhà sàn gần đó, hương chè Thúy Ngọc, Kim Tuyên theo gió lan tỏa khắp một vùng. Tất cả tạo thành một bức tranh sinh động, mang sức sống hồn nhiên, có những con người bền bỉ vươn lên làm giàu bằng chính cách làm ra sản phẩm chè an toàn.