Làm giàu từ trồng các loại cây thích ứng thị trường

09:26, 30/05/2019

Cần cù, chịu khó, biết khai thác tối đa lợi thế về đất đai, vợ chồng bà Nguyễn Thị Vân và ông Phạm Văn Trình, ở tổ 15, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) đã từng bước phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông bà thu được hàng trăm triệu đồng từ trồng trọt, kinh doanh.

Chúng tôi đến thăm khi ông bà đang cần mẫn cắt tỉa những cành, lá sâu tại vườn bưởi. Tham quan mô hình kinh tế của gia đình, chúng tôi vừa ấn tượng bởi quy mô trang trại, vừa cảm phục tinh thần lao động của vợ chồng ông. Ở tuổi ngoài lục tuần, khi kinh tế gia đình được xem là khá giả, nhiều người đã yên tâm, vui thú cùng con cháu, nhưng ông bà vẫn tất bật với những “việc không tên” của nhà nông mỗi ngày.

Ông Trình kể, năm 1979, sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông trở về địa phương lập gia đình với vốn khởi nghiệp là mảnh đất rộng 16.000m2 này. Khi đó, nơi đây chỉ là khu đất trống, đồi trọc. Vợ chồng ông miệt mài bỏ công, bỏ sức, cải tạo từng tấc đất để trồng cây ăn quả.

Nhận thấy đất đai nhiều nhưng đây là vùng đất dốc, bạc màu, giai đoạn đầu, vợ chồng ông tìm hiểu, đưa giống chuối tiêu hồng về thâm canh. Có thời điểm, vườn chuối trên 1.000 cây của ông đem lại nguồn thu lớn. Nhưng qua thời gian, giá bán chuối giảm và khó tiêu thụ nên vợ chồng ông phải tìm hướng đi mới. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, năm 2005, ông Trình lặn lội xuống huyện Văn Giang (Hưng Yên) học hỏi kinh nghiệm và đưa giống bưởi, nhãn về trồng thay thế diện tích chuối. Thời gian đầu, do kinh nghiệm chưa nhiều nên gần 100 cây bưởi bị sâu đục thân và chết dần. Không nản chí, ông chặt bỏ các gốc bưởi, tiếp tục mua cây giống mới thay thế. Rồi vừa trồng, ông vừa tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng bưởi, nhãn trên sách, báo, ti vi. Nhờ đó, sau 2 năm vất vả chăm sóc, vườn cây đã lên xanh tốt, cho quả sai trĩu cành.

Đến nay, trong vườn vợ chồng ông Trình có hơn 200 gốc bưởi, gồm cả bưởi diễn, da xanh, bưởi đào… cho thu hoạch quanh năm. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng 80 cây nhãn, 150 cây chanh, 300 cây chuối tiêu hồng… và trồng xen những cây ngắn ngày (như khoai, lạc). Ngoài ra, ông Trình còn là một trong những người trồng và chơi cây cảnh có tiếng trong vùng. Ông đang sở hữu trên 100 chậu cây cảnh các loại có trị giá cao. Tính ra, trung bình mỗi năm, gia đình ông cho thu lãi trên 400 triệu đồng từ trồng trọt, bán cây cảnh. Có vốn trong tay, năm 2015, vợ chồng ông đầu tư xây dựng dãy ki-ốt và sân bóng đá cỏ nhân tạo trên phần đất của gia đình để cho thuê. Từ việc kinh doanh này, mỗi tháng gia đình ông cũng thu được trên 15 triệu đồng.

Không chỉ là gia đình điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, vợ chồng ông còn được nhiều người biết đến với tấm lòng nhân hậu. Nhiều năm qua, vợ chồng ông đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho 2 em sinh viên nghèo trong xóm là Phạm Thị Dung, đang học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) và Phạm Văn Đức, đang học tại Học viện Tài chính (Hà Nội) với mức hỗ trợ 500-800 nghìn đồng/tháng trong suốt quá trình học đại học.