Thêm động lực để các hộ dân vươn lên thoát nghèo

13:15, 21/05/2019

Những năm qua, cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xã Liên Minh (Võ Nhai) còn quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Từ đó, các hộ dân này có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà Triệu Thị Sao, ở xóm Thâm cho biết: Năm 2016, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ mua một máy cắt cỏ trị giá 5,8 triệu đồng, trong đó chúng tôi chỉ phải đối ứng 800 nghìn đồng. Máy này vừa cắt được cỏ, vừa có thể dùng để cúp ngọn chè rất tiện lợi. Nếu như trước đây dùng kéo cắt thì vợ chồng tôi phải mất mấy ngày mới cúp xong 1 mẫu chè. Từ khi dùng bằng máy cắt, chúng tôi chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ là cúp xong diện tích chè đó. Ngoài máy cắt cỏ, năm 2015, gia đình tôi còn được hỗ trợ 2.500 cây chè giống LDP1 (trồng được gần 4 sào). Đến nay, phần diện tích chè trên đã cho thu hoạch 30kg chè búp khô/lứa, năng suất cao hơn nhiều so với giống chè trung du.

Gia đình bà Sao chỉ là một trong số hàng trăm hộ nghèo ở xã đã được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình 135 (Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất) và chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, xóm đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện tốt các nội dung hỗ trợ, hằng năm, UBND xã đã kiện toàn các ban chỉ đạo thực hiện dự án, chính sách. Cùng với đó, xã tiến hành rà soát nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, tổng hợp và thống nhất nội dung hỗ trợ. Tiếp đó, xã xây dựng kế hoạch trình UBND huyện về nhu cầu thực hiện nguồn vốn hỗ trợ hằng năm. Sau khi có quyết định phân bổ nguồn vốn từ UBND huyện, xã phân bổ về từng xóm, hỗ trợ đúng đối tượng... Ngoài ra, xã cũng thực hiện kiểm tra theo định kỳ và đột xuất khi cần thiết, qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn những sai sót trong thực hiện.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2014-2018, UBND xã Liên Minh đã thực hiện hỗ trợ được 281 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất và gần 9ha giống chè LDP1 cho các hộ dân nghèo trên địa bàn xã. Các máy móc phục vụ sản xuất được hỗ trợ gồm: Máy cày, máy cắt chè, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy phát điện... Các thiết bị chế biến, bảo quản chủ yếu là tôn quay chè, máy vò chè. Ngoài ra, xã cũng tổ chức hỗ trợ trên 6,4 tấn phân lân cho bà con trồng chè, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ 36 hộ mua téc chứa nước và nhiều hộ khoan giếng, mua vòi dẫn nước, xây bể chứa nước. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn này là trên 1,9 tỷ đồng.

Nhờ có dự án hỗ trợ, các hộ dân là người dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo đã có điều kiện đầu tư, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư cũng như ngày công lao động. Gia đình bà Nguyễn Thị Quỳ, xóm Thâm có hơn 3 sào chè, mỗi lứa cho thu hái trên 30kg chè búp khô. Trước đây, vì không có máy sao, vò chè nên mỗi lần hái vợ chồng bà đều phải đi sang nhà hàng xóm sao nhờ. Mỗi lần như vậy, hai vợ chồng bà phải mang vác chè búp, củi khô rất cồng kềnh, vất vả. Thậm chí, nhiều hôm, bà phải chờ đến 10-11 giờ đêm mới đến lượt sao. Từ năm 2016, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ bộ tôn quay, máy vò chè từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, việc sao chè của gia đình bà đã không còn phải vất vả như vậy nữa.

Không chỉ có vậy, những sự hỗ trợ này còn làm thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất trong phát triển sản xuất của người dân. Bà con đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống kinh tế các hộ dân ngày càng được nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo và từng bước vươn lên. Anh Nguyễn Văn Hay, một hộ dân ở xóm Vang cho biết: Năm 2016, gia đình được hỗ trợ gần 2.600 cành chè giống LDP1 (trồng được gần 4 sào) từ Chương trình 135. Sau 2 năm, diện tích chè này đã cho thu hái mỗi lứa đạt trên 20kg chè búp khô, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ ấy mà đến nay, gia đình đã thoát nghèo, đời sống kinh tế ngày ổn định hơn.

Ông Hoàng Văn Thượng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách hỗ trợ để nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, yêu cầu của các chương trình, dự án và tích cực hưởng ứng tham gia. Cùng với đó, xã cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai các nội dung hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng...