Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công

16:10, 26/06/2019

Trong những năm qua, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công thường được đánh giá là chậm so với kế hoạch và yêu cầu. Theo đó, đã có nhiều giải pháp được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đưa ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả này cũng không mấy được cải thiện. Năm nay, qua 5 tháng thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cũng mới đạt 28% kế hoạch vốn, tuy cao hơn so với bình quân chung cả nước và cùng kỳ, song vẫn thấp so với kế hoạch vốn. Đáng chú ý, một số địa phương, tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Để hiểu rõ hơn nội dung này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên.

PV: Trước hết, ông có thể đánh giá khái quát tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2019? So với các năm trước, việc thực hiện nội dung này có gì đáng quan tâm?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Trong 5 tháng đầu năm, KBNN Thái Nguyên đã phối hợp thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công trên địa bàn thuộc kế hoạch năm 2019 là 1.060 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch vốn giao (KHV 3.846 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm trước, số kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công tăng tuyệt đối 147 tỷ đồng và tỷ lệ cao hơn 8% so với cùng kỳ năm trước (số kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công đến hết tháng 5-2018 là 913 tỷ đồng, đạt 20% KHV). Còn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc đạt 26,72%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt vào ngưỡng các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân trung bình.   

PV:  Những nguyên nhân nào khiến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn còn chậm tiến độ? Thực tế này làm ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển chung cũng như việc thực hiện một số chỉ tiêu KT-XH của tỉnh?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Trước hết, về nguyên nhân khách quan, việc phân bổ, phân khai chi tiết một số nguồn vốn cho các dự án của cấp thẩm quyền triển khai còn chậm, kéo theo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án triển khai các bước thực hiện đầu tư cũng chậm, dẫn đến chưa có hồ sơ gửi đến KBNN. Một số nguồn thu như cấp quyền sử dụng đất, vốn xổ số kiến thiết thuộc ngân sách địa phương hiện đang tiếp tục thực hiện nên chưa có nguồn để thanh toán.

Về nguyên nhân chủ quan: Một số chủ đầu tư, các ngành, địa phương vẫn còn lúng túng, chậm triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định; chưa có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Số vốn được giải ngân chủ yếu tập trung ở các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán, được bố trí kế hoạch để trả nợ tồn đọng; dự án chuyển tiếp. Các dự án khởi công mới phần lớn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, một số dự án thuộc nguồn ngân sách địa phương cân đối hoặc chưa được phê duyệt dự án. Ngoài ra, một số chủ đầu tư, đơn vị chưa thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư các dự án có khối lượng nợ đọng đã được ghi kế hoạch để thanh toán từ đầu năm; năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa quyết liệt dẫn đến chậm hoàn thiện các thủ tục…

Nhìn chung, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm ở một số dự án đã có những tác động nhất định làm ảnh hưởng đến đà phát triển KT-XH của tỉnh. Việc các dự án giải ngân theo kế hoạch vốn được giao không hoàn thành, phải chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau đã ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư của các năm tiếp theo. Việc triển khai vốn đầu tư phát triển chậm kéo theo nhiều dự án chậm tiến độ không chỉ làm giảm hiệu quả khai thác của dự án mà quyền lợi của các đối tượng có liên quan cũng bị ảnh hưởng không nhỏ…

PV: Được biết, trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, song dường như hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Vậy theo ông, cần thêm các giải pháp gì, đặc biệt là đối với thẩm quyền cấp tỉnh?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Đúng là đã có nhiều giải pháp từ trung ương đến địa phương được đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Song hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Vì thế, trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương phân bổ hết các nguồn vốn đã được giao kế hoạch và phân cấp tổ chức thực hiện; xây dựng, tổng hợp kế hoạch đầu tư công để báo cáo bộ, ngành Trung ương và trình HĐND tỉnh thông qua; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý, tháo gỡ và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư, chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán các dự án phải thu hồi vốn ứng trước trong năm... Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn; các chủ đầu tư không thực hiện rà soát, điều chỉnh, không báo cáo tiến độ giải ngân dự án sẽ không được bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch năm tiếp theo.

Ngoài ra, cũng cần có chế tài "xử lý mạnh tay" đối với các công trình, dự án có kế hoạch vốn và có khối lượng song chậm giải ngân, có thể điều chuyển nguồn vốn đó sang dự án, công trình khác đã có khối lượng, tỷ lệ giải ngân cao, đủ điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung. Đối với một số dự án chậm giải ngân, các sở, ban, ngành cần tham mưu các phương án, biện pháp, đảm bảo công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành trong năm kế hoạch. Đối với địa phương, đơn vị đến 30-6-2019 chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, cần thực hiện thu hồi để bổ sung cho các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2019.

PV: Đó là đối với UBND tỉnh, còn đối với các đơn vị trực tiếp được phân bổ nguồn vốn thì sao? Và theo dự báo của ông, kết quả giải ngân nguồn vốn năm nay của tỉnh sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần phải chủ động, tích cực và quyết liệt trong tổ chức thực hiện các công việc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nguồn vốn và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ gửi KBNN để giải ngân thanh toán kịp thời, chịu trách nhiệm trong việc giải ngân chậm vốn đầu tư công năm 2019. Tăng cường đôn đốc việc quyết toán dự án theo tiến độ đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Để làm được điều này, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để sớm đưa vào sử dụng. Đối với những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cần tích cực phối hợp với nhà thầu và đơn vị liên quan thực hiện quyết toán dự án theo đúng thời gian quy định.

Về dự báo kết quả, năm nay, cũng như các năm trước, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến 31-12-2019 sẽ đạt trên 85% KHV, đến 31-1-2020 sẽ đạt trên 90% KHV được giao. So với kết quả bình quân hàng năm của toàn quốc thì tỷ lệ giải ngân Thái Nguyên thường đạt tương đối cao.