Dân Tiến phát triển kinh tế rừng

10:52, 08/06/2019

Dân Tiến (Võ Nhai) là xã có tỷ lệ rừng bao phủ trên 50% diện tích đất tự nhiên. Trong những năm qua, nhờ phát triển kinh tế rừng, thu nhập và đời sống của các hộ dân trong xã từng bước được nâng lên.  

Xã Dân Tiến có trên 2.000ha rừng (100% là rừng sản xuất). Hằng năm, xã khai thác và trồng mới khoảng 100ha rừng, sản lượng khai thác gỗ hằng năm đạt hơn 1.500m³. Xã có trên 1.700 hộ dân (70% là dân tộc thiểu số), trong đó, gần 40% hộ dân có nguồn thu từ rừng. Những năm trước đây, do chưa quan tâm tới kinh tế rừng, nguồn thu nhập thường xuyên của người dân dựa vào cây lúa và cây ngô là chính, nên chỉ đủ lo được cái ăn, cái mặc, không có tích lũy. Những năm gần đây, nhờ nguồn thu từ rừng, người dân đã từng bước nâng cao đời sống. Nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả khoản tiền thu được từ rừng để phát triển kinh tế.

Ông Dương Văn Thốn, xóm Làng Chẽ là một trong những hộ sử dụng hiệu quả khoản tiền thu được từ rừng làm vốn phát triển kinh tế. Ông Thốn cho biết: Gia đình tôi trồng 10ha mỡ từ năm 2002. Đến năm 2015, rừng bắt đầu cho thu hoạch, sau khi trừ mọi chi phí, số tiền gia đình tôi thu được là gần 500 triệu đồng. Với số tiền này, tôi tiếp tục tái trồng rừng và mua xe ô tô tải vừa để phục vụ gia đình khai thác rừng, vừa làm kinh doanh vận tải trong xã. Mỗi tháng, công việc vận chuyển gỗ thuê thu về trên 30 triệu đồng. Còn anh Lê Văn Vấn, chủ một cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã, cho biết: Gia đình tôi trồng 10ha rừng từ năm 2002, đến năm 2017 được khai thác, cho thu về gần 400 triệu đồng. Từ số tiền này và vay mượn thêm người thân, gia đình tôi đầu tư hệ thống máy móc và xây dựng nhà xưởng rộng hơn 1.000m². Cơ sở chế biến gỗ của gia đình chủ yếu sử dụng các loại gỗ keo, mỡ được thu mua của bà con trong xã. Hiện mỗi ngày, cơ sở sản xuất ra trên 10m³ sản phẩm gỗ các loại, cung cấp ra thị trường mỗi năm trên 3.000m³ ván bóc, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài Làng Chẽ, các xóm Đồng Vòi, Làng Mười, Đồng Quán đều là những xóm có diện tích rừng lớn của xã. Đây cũng là những xóm tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo ông Âu Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã: Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm nhiều vào công tác trồng rừng. Hầu hết diện tích rừng mỡ ít được người dân chăm sóc nên lớn chậm, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao (khoảng 45-60 triệu đồng/ha sau 12 đến 15 năm trồng). Để giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, hằng năm, xã triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ cho khoảng 90ha rừng trồng mới; phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản để tiêu thụ sản phẩm gỗ cho bà con. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước, nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị bỏ trống, thì hiện nay, nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để trồng rừng, nhiều diện tích ngô tại các sườn núi kém hiệu quả cũng được người dân chuyển đổi sang trồng keo. Bên cạnh đó, các hộ cũng quan tâm hơn đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng.

Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích keo mới trồng được gần 2 năm, ông Âu Văn Vĩnh, xóm Đồng Quán, cho biết: Gia đình đã trồng 10ha cây mỡ từ năm 2002, do chưa có kỹ thuật trồng nên cây mỡ phát triển chậm, nhiều cây chết non. Đến năm 2017, rừng mỡ mới được khai thác nhưng cũng chỉ được khoảng 50 triệu đồng/ha. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón, được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng nên gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích rừng trồng mới sang keo Tai Tượng cho hiệu quả cao hơn. Rừng keo của tôi có tỷ lệ sống đạt trên 95%, sinh trưởng tốt. Nhiều hộ quanh xóm cũng đã bán sớm một số diện tích mỡ chậm phát triển chuyển sang trồng keo…

Có thể nói, một phần nhờ phát triển kinh tế rừng, người dân xã Dân Tiến đã từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 16%, giảm 24% so với năm 2014, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 28 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng/người/năm so với năm 2014.