Những năm qua, huyện Phú Lương đã huy động được nhiều nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đến nay, mạng lưới giao thông của huyện không chỉ đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Trước năm 2014, huyện Phú Lương chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) chạy qua. Ngoài ra, 2 tuyến tỉnh lộ nằm trên địa bàn huyện được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp và mạng lưới giao thông nông thôn còn khoảng 60% chưa được đổ bê tông. Ông Bàng Toàn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương chia sẻ: Trước đây, mạng lưới giao thông của huyện chưa được đầu tư nhiều nên hầu hết các tuyến đường xuống cấp, việc đi lại và thông thương hàng hóa của người dân còn gặp nhiều khó khăn. 5 năm trở lại đây, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh và sự đồng thuận đóng góp công sức của người dân nên mạng lưới giao thông của huyện đã dần được hoàn thiện, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Được biết, giữa năm 2017, Quốc lộ 3 mới chạy qua địa bàn huyện được xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng đưa vào sử dụng. Tuyến Quốc lộ 3 mới chạy qua 4 vùng chè trọng điểm và vùng trồng rừng sản xuất của huyện Phú Lương đã góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa nông, lâm sản của người dân. Cùng với đó, Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Senco 4 - đơn vị chủ đầu tư dự án Quốc lộ 3 mới) cũng đầu tư sửa chữa, mở rộng những đoạn đường hẹp, trải nhựa những điểm xuống cấp, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm áp lực, nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 3 cũ.
Đến cuối năm 2018, tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn huyện (7km) đã hoàn thành đưa vào khai thác. Nhờ vậy, người dân ở 5 xã phía Bắc đã được thụ hưởng từ dự án. Bên cạnh đó, trong năm 2017 và 2018, hai tuyến đường tỉnh ĐT 263 (thị trấn Đu đi các xã phía Bắc của huyện Đại Từ) và đường Giang Tiên - Núi Phấn được đầu tư sửa chữa, mở rộng từ 3,5 lên 5,5m... Hiện nay, các cấp, ngành của tỉnh đã phối hợp với huyện Phú Lương khảo sát, đánh giá để lập quy hoạch xây dựng tuyến đường thị trấn Đu - Đại Từ và đường Tuần Phát - Đồng Hỷ
Cùng với các tuyến giao thông chính đi qua địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, sửa chữa, thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, ngoài sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, người dân trên địa bàn đối ứng hàng nghìn ngày công, nhất là việc tự nguyện hiến hàng vạn m2 đất làm đường giao thông nông thôn nên toàn huyện đã bê tông được gần 700km đường (chiếm 65%). Qua đó, ngoài đảm bảo việc đi lại thì còn tạo điều kiện để người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh sản suất, tăng cường trao đổi thông thương hàng hóa .
Ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ (Phú Lương) cho biết: Xã có lợi thế về phát triển kinh tế đồi, rừng, với diện tích rừng sản xuất hơn 2.000ha nhưng trước đây trong xã chủ yếu là đường đất nên việc tiêu thụ lâm sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhờ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, 80% đường giao thông nông thôn của địa phương đã bê tông hóa, nhờ đó, sản phẩm nông, lâm sản của bà con tiêu thụ thuận lợi hơn, nhiều cơ sở chế biết gỗ đã được mở trên địa bàn xã,
Hiện nay, mạng lưới giao thông huyện Phú Lương gồm có 4 tuyến Quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 64km; 2 tuyến tỉnh lộ, với chiều dài 12km; 12 tuyến đường huyện với chiều dài 110km (100% tuyến đường trên đã được thảm nhựa) và gần 1.100km đường giao thông nông thôn (65% đã được bê tông hóa).
Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Hạ tầng giao thông của huyện được đầu tư, dần hoàn thiện đã trở thành điều kiện quan trọng để địa phương thu hút đầu tư. Trong vòng 3 năm qua, huyện đã thu hút được gần chục dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, như: Dự án Trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Ninh của Công ty TNHH MTV Trọng khôi, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ; Dự án Xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Vô Tranh, Tức Tranh; Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đông Bắc, tại xóm Ao Sen (Động Đạt)... mạng lưới giao thông dần được hoàn thiện là cơ sở để huyện lập quy hoạch 2 Cụm Công nghiệp tại xã Yên Ninh và Yên Lạc với tổng diện tích gần 55ha...
Tuy nhiên, bên cạnh những tuyến đường đã được đầu tư, trên địa bàn huyện còn một số xã, như: Yên Ninh, Yên Trạch, Phủ Lý có địa hình chia cắt, phức tạp nên giao thông còn nhiều khó khăn, cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho duy tu, bảo trì các tuyến đường thuộc huyện quản lý vẫn còn hạn chế nên vẫn cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để huyện hoàn thiện hạ tầng giao thông trong thời gian tới.