Mặc dù đàn lợn nái đã bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy, nhưng do kịp thời rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác phòng, chống, nên gia đình anh Dương Văn Bảo, ở tổ dân phố Sau, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) đã ngăn dịch bệnh lây lan sang đàn lợn thịt hơn 100 con (có chuồng cách đàn lợn nái 20m). Đến nay, sau hơn 30 ngày theo dõi, các mẫu xét nghiệm trên đàn lợn thịt đều cho kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình anh Bảo đã xuất bán được gần 5 tấn lợn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Bảo nói: Sau khi nghe thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, gia đình tôi đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Mặc dù vậy, đàn lợn nái của gia đình tôi vẫn bị nhiễm bệnh dịch. Tháng 4-2019, 48 con lợn (có trọng lượng trên 5 tấn) của gia đình tôi đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ tiêu hủy. Gia đình tôi rất buồn nhưng ngay lúc đó hai vợ chồng đã cùng bàn bạc tìm nguyên nhân và cách ngăn chặn dịch lây sang chuồng đang nuôi 100 con lợn thịt chỉ cách đó 20m. Tôi đoán nhiều khả năng nguyên nhân là do xe chở cám vì xe này đi đến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Còn về cách ngăn dịch lây lan, vợ chồng tôi thấy một may mắn là trước đó chúng tôi đã chia ra vợ chăn chuồng lợn thịt, chồng chăn chuồng lợn nái, đồ bảo hộ, vật dụng của chuồng nào chỉ để tại chuồng đó. Cám chăn lợn nái riêng, lợn thịt riêng, thêm vào đó, thời gian qua, tôi không sang chuồng nuôi lợn thịt nên có thể chưa mang mầm bệnh sang.
Xác định được nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa, gia đình anh Bảo áp dụng nhiều biện pháp về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi một cách nghiêm ngặt, như: Xe ô tô chở cám phải đỗ xa khu vực chuồng nuôi, trước khi xe vào phải phun thuốc sát trùng, sau 30 phút mới được vào; mỗi bao cám cũng phải phun thuốc khử trùng; nước vôi trong hố sát trùng được pha đậm đặc hơn và thay thường xuyên; đồng thời thường xuyên rắc vôi bột, tăng liều lượng phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chuồng chăn nuôi, vườn lên 2 lần/tuần thay vì 1 lần/tuần như trước đây. Mỗi khi ra, vào chuồng trại, vợ chồng anh đều sát trùng tay, chân và quần áo bảo hộ. Sau khi đàn lợn nái bị tiêu hủy, anh Bảo không sang chuồng nuôi lợn thịt một thời gian để bảo đảm cách ly mầm bệnh hiệu quả. Chị Đinh Thị Lan, vợ anh Bảo chia sẻ: Chúng tôi sát trùng chân, tay nhiều quá khiến da chân, da tay bị phồng rộp, tróc. Tuy nhiên, để đàn lợn còn lại không bị dịch bệnh, vợ chồng chúng tôi cũng chấp nhận.
Nhờ tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch lây lan, đàn lợn thịt hơn 100 con còn lại của gia đình anh Bảo vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường, không có biểu hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vợ chồng anh Bảo đã có đơn đề nghị Thành phố cho phép được bán lợn. Theo đơn đề nghị của anh Bảo, cơ quan chuyên môn của T.P Sông Công đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm. Kết quả, các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Anh Bảo phấn khởi nói với chúng tôi: Vừa rồi, gia đình tôi bán được 44 con lợn thịt, trọng lượng gần 5 tấn. Tuy cũng bị lỗ nhưng số lợn bán được lần này là niềm động viên, an ủi rất lớn đối với gia đình tôi.