Tăng trưởng tín dụng chưa có dấu hiệu khởi sắc

16:15, 13/06/2019

2,22% là mức tăng trưởng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 5 so với đầu năm 2019. Trong khi đó, mức tăng này của toàn ngành đạt 5,21%. Hiện, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn là 51.590 tỷ đồng. Ước đến cuối tháng 6 đạt 52.000 tỷ đồng, tăng 3,04%.

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng trên địa bàn tăng trưởng thấp. Trong đó, các nguyên nhân chính được xác định gồm: Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt đã trả nợ trước hạn dẫn đến dư nợ giảm và ngược lại, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nhu cầu về vốn không tăng cao; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là cho vay chăn nuôi giảm do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh và diễn biến rất phức tạp, khiến các hộ chăn nuôi giảm quy mô; cùng với đó, theo định hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng năm 2019 đó là kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Trái ngược với tăng trưởng dư nợ, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tính đến cuối tháng 5 đạt 58.248 tỷ đồng, tăng 7,89% so với cuối năm 2018. Ước đến cuối tháng 6 đạt 58.800 tỷ đồng, tăng 8,91%. Về xử lý nợ xấu, đáng chú ý, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Theo đó, tính đến cuối tháng 4-2019, tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH142 là 1.012 tỷ đồng, chiếm 2,14%/tổng dư nợ.