Tạo cầu nối để hàng Việt đến với người tiêu dùng

14:00, 13/06/2019

Đây chính là mục đích hướng đến của Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” được tổ chức hàng năm tại các địa phương trong tỉnh. Với lượng hàng hóa dồi dào, mẫu mã đẹp, giá bán phải chăng, các phiên chợ tổ chức theo chương trình này đã chiếm được cảm tình của nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, thói quen sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng...

 

Năm nay, Chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi” được Sở Công Thương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và UBND các huyện Phú Bình, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai tổ chức. Đây là những huyện nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, trên địa bàn ít có các trung tâm mua sắm, siêu thị, đại lý lớn… Do vậy, việc đưa hàng Việt đến các địa phương này góp phần tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nhiều mặt hàng sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cũng như chất lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nội địa, ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan.

Chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi” năm nay quy tụ trên 30 gian hàng của hơn 20 DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) trong và ngoài tỉnh. Tại những phiên chợ tổ chức theo Chương trình ở các địa phương, hàng trăm mặt hàng thiết yếu khác nhau được bày bán, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong số các đơn vị có mặt tại Chương trình năm nay, nhiều đơn vị liên tục tham gia những năm qua như: Cơ sở sản xuất giày dép T&L (T.P Sông Công), HTX Minh Tuấn (Cao Bằng), Công ty TNHH Đức Trung (T.P Hà Nội)... Điều này đã chứng tỏ hiệu quả của Chương trình đem lại. Anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên tiếp thị của Cơ sở sản xuất giày dép T&L (T.P Sông Công) chia sẻ: Đây là năm thứ 7 chúng tôi tham gia Chương trình này. Lượng khách năm nay đến tham quan, mua sắm khá đông. Mặc dù Chương trình mới diễn ra tại 2 địa phương, nhưng chúng tôi đã bán được khoảng 400 đôi giày dép các loại, hơn 200 chiếc dây lưng và ví da. Cái được lớn nhất mà Chương trình đem lại là chúng tôi có thể tìm kiếm đối tác làm đại lý phân phối mặt hàng tại các chợ miền núi, vùng cao sau này. Còn theo đại diện của HTX Minh Tuấn, ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) chuyên sản xuất và bán các sản phẩm nông cụ cầm tay như dao, búa, cuốc, rìu…, thì tham gia Chương trình là cơ hội để đơn vị lắng nghe những góp ý của người dân về nhu cầu, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh những đơn vị tham gia thường xuyên, Chương trình năm nay còn thu hút được cả những DN mới. Anh Trần Viết Văn, Giám đốc Công ty TNHH thảo dược Henava, ở xã Yên Ninh (Phú Lương) cho biết: Công ty chúng tôi mới chính thức đi vào hoạt động trong năm vừa qua, nên việc tham gia Chương trình lần này, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều người dân biết đến sản phẩm của Công ty, đó là tinh dầu, nước hoa thiên nhiên…, mặt hàng còn khá mới mẻ với người dân miền núi, vùng cao nói chung.

Qua thực tế diễn ra các phiên chợ, ngoài tạo môi trường kết nối cung - cầu sản phẩm, điều được các DN đánh giá cao khi tham gia đó còn là công tác tổ chức chuyên nghiệp, bài bản. Theo đó, mỗi phiên chợ, ngoài bộ phận an ninh của huyện, xã thay nhau trực 24/24 giờ thì Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) cũng bố trí lực lượng cán bộ nòng cốt túc trực để quản lý, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh của DN. Ông Nguyễn Đắc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kim, thành viên Ban Tổ chức Chương trình tại xã Tân Kim (Phú Bình) cho biết: Đây là năm đầu tiên Chương trình diễn ra tại địa phương, do vậy, công tác chuẩn bị được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Căn cứ vào kế hoạch chung của Ban Tổ chức chương trình, xã đã khảo sát mặt bằng phù hợp, phối hợp với lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, xã cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền trên loa, băng rôn, đến người dân.

Theo đánh giá sơ bộ của Ban Tổ chức, mỗi phiên chợ diễn ra đều thu hút hàng nghìn lượt người dân địa phương đến tham quan, mua sắm. Chị Ngô Thị Lành, ở xóm Đồng Danh, xã Yên Ninh cho biết: Khi mua sản phẩm tại Chương trình, chúng tôi khá yên tâm và hài lòng bởi có tem, nhãn thương hiệu, mã vạch rõ ràng. Đặc biệt, các sản phẩm có giá tương đương so với thị trường, thậm chí thấp hơn từ 10-20 nghìn đồng/sản phẩm và có cả những sản phẩm khuyến mãi kèm theo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình đánh giá: Các sản phẩm bày bán tại Chương trình năm nay đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng bằng chất lượng đúng như mục tiêu, chủ đề đặt ra là “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Để có được kết quả này, Ban Tổ chức đã tìm hiểu, nghiên cứu tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu về hàng hóa và thu nhập của từng vùng, từ đó tiến hành mời gọi các DN có uy tín, có năng lực sản xuất, kinh doanh chuẩn bị hàng hóa phù hợp. Qua đây, chúng tôi mong muốn dần thay đổi thói quen, nhận thức về sử dụng hàng hóa, đồng thời, giúp hàng Việt khẳng định được vị trí trên thị trường.

Tính đến thời điểm này, Chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi” đã được tổ chức tại 2 địa điểm. Hôm nay (ngày 13-6), Chương trình sẽ diễn ra tại xã Tràng Xá (Võ Nhai) và đến ngày 17-6 tới sẽ diễn ra tại xã Tân Kim (Phú Bình). Bên cạnh mục tiêu đưa hàng Việt tới người tiêu dùng, tại Chương trình năm nay, Sở Công Thương đã vận động được nhiều DN tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội với các địa phương, tặng nhiều suất quà có ý nghĩa thiết thực cho các đối tượng học sinh nghèo học giỏi vượt khó, hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, mang lại thêm nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho Chương trình. Ngoài những đánh giá tích cực, tại các phiên chợ cũng ghi nhận một số ý kiến đóng góp của người dân như: Cần tăng cường hơn nữa các gian hàng nông cụ, giống cây trồng mới, các loại vật tư, phân bón… để phù hợp hơn với nhu cầu người tiêu dùng tại các khu vực nông thôn, miền núi; đa dạng hơn các gian hàng thời trang, may mặc… Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đề nghị cần bố trí thêm kinh phí để việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ Chương trình được tốt hơn…