85% người tiêu dùng lựa chọn mua hàng hoá và sử dụng dịch vụ thương hiệu Việt. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng kinh doanh, dịch vụ thương mại trong tỉnh bày bán nhiều sản phẩm sản xuất trong nước. Thói quen mua sắm hàng Việt đã tạo cho hàng Việt có chỗ đứng trên thị trường, Sở Công Thương là đơn vị có đóng góp tích cực trong việc giúp người tiêu dùng hình thành thói quen này.
Để người tiêu dung từng bước hình thành thói quen mua sắm hàng Việt, Sở Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo. Sở cũng đã phối hợp với các cấp, ngành, Cục quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hướng dẫn người tiêu dùng không mua, bán hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời xử lý nghiêm các hộ kinh doanh mua, bán hàng hoá không có kiểm định, không rõ nguồn gốc. Vận động nhân dân phát hiện, tố giác việc buôn bán trái phép hàng hoá ngoài nước không có tem nhãn để xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Bằng nhiều hình thức Sở đã chuyển tải thông điệp về hàng Việt đến nhà sản xuất và người tiêu dùng, như phát hành Bản tin kinh tế Công thương để cấp phát miễn phí cho các tổ chức, doanh nghiệp; Trang website của Sở đăng tải các văn bản, chính sách và những nội dung liên quan đến cuộc vận động người Vệt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với hơn 10 triệu lượt truy cập; sàn giao dịch thương mại điện tử với hơn 950 đơn vị thành viên và trên 2 triệu lượt truy cập. Mới đây, Sở thực hiện nâng cấp mới sàn giao dịch thương mại điện tử thêm mô hình kinh doanh B2C bán lẻ trực tiếp sản phẩm. Đây là một trong những giải pháp cần thiết để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tăng cường thị trường bán lẻ, giúp xác định được hàng hoá trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc; giúp người tiêu dùng giảm thời gian, chi phí có thể mua sản phẩm mình cần thông qua mạng internet.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hoá, mở rộng thị trường, Sở khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển nguồn lực sản xuất ra nhiều hàng hoá chất lượng, dần thay thế hàng hoá nhập khẩu và sử dụng nguyên vật liệu có xuất xứ trong nước làm nguyên liệu sản xuất; khuyến khích liên kết sử dụng hàng hoá, dịch vụ giữa các doanh nghiệp, cải cách thu tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong những năm qua, Chương trình khuyến công đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ cho các đơn vị đăng ký mã số mã vạch; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hồ sơ công bố an toàn thực phẩm; thiết kế và in bao bì; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng nông sản…
Sự vào cuộc tích cực của Sở Công Thương đã góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp thiết lập kênh bán hàng và hệ thống phân phối mới, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước.