Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

13:00, 08/07/2019

Những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng trở nên phổ biến và thu hút được sự quan tâm, tham gia sử dụng của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là xu thế phát triển chung của Việt Nam và thế giới nhằm tăng tính minh bạch cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay cho thấy kết quả đạt được trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được đòi hỏi đặt ra, cần có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.  

Với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng dịch vụ của ngân hàng, cộng với số dư trong tài khoản là người dùng có thể thực hiện hoặc thanh toán được rất nhiều dịch vụ có liên quan đến tài chính, như: Chuyển tiền, thanh toán vé báy bay, đặt phòng khách sạn, mua hàng, gửi tiết kiệm…

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Chưa bao giờ việc mua bán, thanh toán, nộp tiền điện, nước hay nạp thẻ điện thoại đối với tôi lại trở nên thuận tiện như bây giờ. Ngoài ra, với chiếc thẻ ATM, khi đi mua hàng ở nhiều siêu thị, nhà hàng, tôi cũng không phải thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng chấp nhận hình thức thanh toán điện tử. Vì thế, cùng với việc duy trì số dư trong tài khoản thì tôi vẫn phải mang theo tiền mặt. Tôi mong các cửa hàng đều áp dụng hình thức thanh toán điện tử này.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người sử dụng hình thức thanh toán như chị Hoa, tuy nhiên chủ yếu vẫn tập trung ở giới trẻ và những người có điều kiện về kinh tế ở khu vực thành thị. Còn với những người có thu nhập ở mức trung bình trở xuống hay những người từ 50 tuổi trở lên và bà con nhân dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa thì phần lớn vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Không ít người thậm chí còn chưa một lần biết đến chiếc thẻ ATM hay chiếc điện thoại thông minh, hoặc cũng có người có cả hai thứ đó nhưng lại không mấy khi có số dư trong tài khoản để có thể thanh toán các dịch vụ khi mua bán.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: TTKDTM đang được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh thực hiện nhằm tăng tính minh bạch cho nền kinh tế. Trong đó đáng chú ý, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Cụ thể hóa Đề án này, UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Theo đó, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp thiết thực, như: Tăng cường đầu tư, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại và áp dụng các sản phẩm dịch vụ TTKDTM phù hợp, dễ sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong thu nộp các dịch vụ công như: Thuế, nộp tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội…, với nhiều hình thức thanh toán (qua Website, chuyển tiền qua Internetbanking, mobibanking, POS). Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có trên 442 nghìn tài khoản được mở, phát hành hơn 294 nghìn thẻ ngân hàng; trên 230 máy rút tiền tự động (ATM) và trên 1 nghìn điểm chấp nhận thẻ thanh toán (POS) được lắp đặt tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị... với doanh số thanh toán qua POS đạt 1.306 tỷ đồng…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet của cả nước tăng khoảng 66%, giá trị giao dịch tăng khoảng 14%; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng khoảng 98%, giá trị giao dịch tăng khoảng 232,3%, so với cùng kỳ năm 2018… Kết quả này phần nào minh chứng cho những giải pháp quản lý nhà nước và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng trong việc đẩy mạnh TTKDTM.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, sự gia tăng này có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Trong khi đối với các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, tỷ lệ TTKDTM đạt khoảng 70-80%, các siêu thị khoảng 15-20%, thì ở các cửa hàng nhỏ lẻ, chợ truyền thống chưa đến 5%. Một số ngành như Điện lực, mặc dù doanh số thanh toán điện tử chiếm tới 84%, nhưng tỷ lệ khách hàng trả bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Bởi số thanh toán điện tử chủ yếu là doanh nghiệp, còn người dân phần đa vẫn giữ thói quen hình thức thanh toán truyền thống.

 Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Mặc dù TTKDTM ngày càng được nhiều người sử dụng nhưng so với yêu cầu thực tế và với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này còn thấp. Và theo xu thế phát triển chung, một xã hội hiện đại thì việc thanh toán không chỉ dừng lại ở chiếc thẻ ATM, mà phải là dịch vụ quét mã QR code. Đối với BIDV Thái Nguyên, doanh số TTKDTM tuy đã nâng tỷ lệ từ 61% trên tổng doanh số thanh toán chung năm 2010 lên 73% hiện nay, nhưng tôi cho rằng, con số này cần phải đạt khoảng 90%. Ông Quý phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến hiệu quả của việc TTKDTM chưa đạt như mong muốn, mà trước hết đó là do thói quen. Vì thế cần thiết phải thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc coi tiền mặt là công cụ được ưa chuộng trong thanh toán. Thứ 2 là cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong TTKDTM. Cùng với đó là phải hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán…

Có thể nói, thúc đẩy TTKDTM đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, đó là giảm chi phí (in tiền, đếm tiền, cất giữ…) đến thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế… Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách của Nhà nước cũng rất cần sự ủng hộ, tham gia tự giác của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là một trong những thước đo trình độ phát triển của một quốc gia.