Huyện Đại Từ hiện có trên 34.000 hội viên phụ nữ, tham gia sinh hoạt tại 524 chi hội. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện luôn coi việc tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Từ đó, Hội đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp đỡ các hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian qua, mục tiêu được Hội LHPN huyện Đại Từ đặt ra là: Hàng năm có 90% trở lên số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được tổ chức Hội giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, trong đó mỗi cơ sở hội giúp đỡ ít nhất 2 hộ nghèo do hội viên phụ nữ làm chủ vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho 500 lao động nữ/năm...
Để thực hiện được các mục tiêu đó, hàng năm, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện đều tiến hành rà soát số lượng phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, từ đó tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Một trong những hình thức hỗ trợ đó là, Hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên phụ nữ. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức được 282 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 14.400 người, 21 lớp sơ cấp nghề cho 751 người tham gia học, phối hợp tư vấn việc làm cho 4.720 lao động nữ, đào tạo nghề cho 3.386 lao động nữ, trong đó 2.659 lao động có việc làm sau đào tạo.
Để chị em có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học tập lẫn nhau, Hội cũng xây dựng mô hình điểm, thành lập các câu lạc bộ để chị em có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Từ năm 2016 đến nay, các cơ sở Hội đã thành lập mới các mô hình, tổ hợp tác, nhóm sở thích hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Tập trung phát triển các mô hình, loại hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nổi bật là các mô hình như: Mô hình thí điểm “Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn” với 88 hội viên tại xóm Đồng Tiến, xã La Bằng tham gia; mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” tập hợp thu hút 100% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt hội tại chi hội phụ nữ xóm Đoàn Kết, xóm An Sơn, xã Hoàng Nông với tổng số 77 hội viên tham gia. Hiện toàn huyện có 58 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế điển hình tại các xã: La Bằng, Quân Chu, Khôi Kỳ, Tiên Hội, Phú Thịnh, Bản Ngoại...
Chị Đoàn Thị Thúy, ở xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn, chia sẻ: Gia đình tôi có 9 sào đất, trước đây vẫn thường trồng su hào, bắp cải, hành, nhưng là làm theo truyền thống, mấy năm nay do được tập huấn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên vẫn là những cây trồng đó, tôi đã áp dụng quy trình trồng này, đồng thời mở rộng thêm các loại rau, quả khác (như bí xanh, dưa lê, cà rốt...). Cùng với thay đổi cách sản xuất rau màu, tôi còn tham gia HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn, nhờ đó sản phẩm làm ra dễ bán hơn, giá bán cao hơn. Quan trọng hơn là việc trồng rau theo quy trình đã được tập huấn rất ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc tăng trưởng, vì vậy người sản xuất cũng ít phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, nên chúng tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm không phải lo lắng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như người sản xuất...
Không chỉ trao đổi kinh nghiệm trong phạm vi huyện, Hội đã# tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm các mô hình về phát triển kinh tế hộ gia đình cho 40 đồng chí là lãnh đạo nữ, ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN, các hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi đi tham quan mô hình tại huyện Phú Bình. Thông qua buổi học tập mô hình các chị được học hỏi thêm kiến thức chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau khi được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nhiều chị em đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển các mô hình, loại hình sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh việc trang bị về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, Hội còn giúp các hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều kênh, như: Phát động phong trào “Phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững’’, duy trì tốt hình thức tiết kiệm tại 100% các chi hội phụ nữ với tổng số tiền tiết kiệm là gần 19 triệu đồng, tiếp tục thực hiện kế hoạch vận động ủng hộ “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo”, vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Quỹ TYM, quỹ vì phụ nữ nghèo, quỹ hội với tổng số tiền trên 578 triệu đồng cho 11.557 hội viên phụ nữ vay để đầu tư phát triển kinh tế. Việc giúp nhau về vốn sản xuất, Hội luôn ưu tiên quan tâm giúp đỡ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bà Trương Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Ngoài giúp nhau về vốn, kỹ thuật, hội viên phụ nữ còn giúp nhau về cây giống, con giống, ngày công... Qua các hình thức giúp đỡ đó, trong hơn 2 năm trở lại đây, các cấp Hội phụ nữ huyện đã giúp được 5.707 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có 420 hộ thoát nghèo. Mỗi năm có trên 150 phụ nữ đạt danh hiệu phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở. Chất lượng cuộc sống của phụ nữ được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân của các hộ gia đình hội viên phụ nữ được nâng lên. Từ đó góp phần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo ở địa phương.