Triển vọng từ mô hình dưa lê vàng ở Tân Ngọc

14:38, 02/07/2019

Hương thơm dịu, vị ngọt mát, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với một số giống dưa cùng thời vụ… là đánh giá chung của một số hộ dân đang trồng thử nghiệm giống dưa lê vàng Hàn Quốc tại xóm Tân Ngọc, xã Tân Đức (Phú Bình). Với những ưu điểm đó, nhiều người dân đang tính đến việc mở rộng diện tích trồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Có mặt tại cánh đồng xóm Tân Ngọc vào một ngày cuối tháng 6, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp thu hoạch dưa của bà con nơi đây. Được biết, đây là vụ dưa lê vàng đầu tiên nên quy mô chưa nhiều, tính trung bình, mỗi hộ trong xóm trồng từ 2-3 sào dưa. Vừa cắt cuống, vừa lau quả, bán ngay tại ruộng, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết: Trước đây, trên 2 sào ruộng này, gia đình tôi trồng dưa lê trắng nhưng năng suất không cao, chỉ bằng một nửa năng suất của dưa lê vàng, đạt hơn 2 tạ dưa/sào. Được cán bộ khuyến nông huyện, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tuyên truyền hiệu quả từ trồng dưa lê vàng, hướng dẫn cách gieo trồng nên dù là vụ đầu tiên tôi đã nhận thấy hiệu quả. Với giá bán trung bình tại ruộng là 20 nghìn đồng/kg, mỗi sào gia đình tôi thu được khoảng 7 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Còn ông Nguyễn Văn Lương, một người dân trong xóm thì tính toán: So với trồng các loại rau màu, dưa lê vàng có thời gian thu hoạch ngắn ngày hơn, không tốn nhiều công chăm sóc, giá bán lại cao hơn. Dưa lê vàng được trồng quanh năm, trung bình 3 vụ/năm, nếu trồng từ tháng 3 thì đến đầu tháng 5 là có thể bắt đầu thu hoạch và chỉ thu trong 1-2 tuần là hết. Vì vậy, bà con trồng dưa có thể tranh thủ, tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm các công việc khác. Với 3 sào trồng dưa lê vàng, vụ này gia đình tôi thu khoảng 1,5 tấn dưa, bán được gần 30 triệu đồng.

Theo người dân nơi đây, dưa lê vàng rất dễ trồng.Theo đó, hạt giống được gieo trong khay, sau 5-7 ngày, khi cây dưa ra lá thứ 3 sẽ được đem ra trồng tại luống. Để dưa sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc chú trọng về phân bón, xung quanh bờ ruộng và dọc các luống, người dân đều phủ kín nilon bảo vệ hay đánh luống cao để hạn chế chuột và các loại sâu bọ phá hoại, đồng thời hạn chế cỏ mọc. Khi cây dưa phát triển đủ 6-8 lá, bà con tiến hành bấm ngọn và 2-3 lá sát gốc để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Do có mã đẹp, giòn, vị ngọt mát, hương vị thơm ngon đặc trưng, giúp giải nhiệt trong mùa nắng nóng nên dưa lê vàng đang được thị trường khá ưa chuộng. Theo một số hộ trồng dưa ở đây cho biết, thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận ruộng thu mua đến đấy hoặc được bà con mang dưa ra bày bán tại các chợ trong vùng. Trung bình mỗi gốc dưa cho thu từ 4-5 quả, trọng lượng bình quân khoảng 2-3 quả/kg. Ưu điểm của dưa lê vàng đó là năng suất, giá trị kinh tế cao, khả năng chống chịu với ngập úng tốt hơn một số loại dưa khác như: Dưa bở, dưa lê trắng…

Mặc dù đây mới là lứa dưa đầu tiên, song các hộ trồng dưa ở Tân Ngọc đã có ý thức trồng, chăm sóc theo hướng an toàn. Cụ thể, việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại được bà con thực hiện trước khi thu hái khoảng 15-17 ngày, cùng với đó là hạn chế sử dụng phân hóa học, bón dưa chủ yếu bằng phân chuồng hoai mục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho hay: Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức triển khai. Tham gia mô hình có 23 hộ dân của xóm Tân Ngọc với tổng diện tích 0,5ha, người dân được hỗ trợ hạt giống và phân bón. Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm song giống dưa này được nhiều bà con đánh giá cao về chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế. Chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức đánh giá khả năng thích ứng của giống dưa lê này tại địa phương, từ đó làm cơ sở cho việc lựa chọn những giống cây trồng mới có giá trị kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong vùng.