Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) huyện Đại Từ đã thực hiện tốt việc quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế. Nhờ sự hỗ trợ của Hội, nhiều NNCĐDC đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Thượng Hòa, Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Đại Từ thông tin: Năm 2008, Hội NNCĐDC huyện Đại Từ được thành lập và thu hút được nhiều hội viên tham gia. Đến nay, Hội đã có gần 1.600 hội viên, tuổi đời từ trên 60 đến 90 tuổi. Hơn 10 năm qua, công tác Hội đã thu được những kết quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống cho hội viên. Về chế độ chính sách, hiện gần 100% hội viên có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Nhà nước đã được hưởng các chế độ chính sách da cam. Ngoài ra, 35 đối tượng là con, cháu của các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam cũng được Hội hỗ trợ làm thủ tục để được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước.
Với những trường hợp hội viên khó khăn, Hội đã phối hợp với các đoàn thể đến từng nhà để thăm hỏi, động viên. Vào mỗi dịp lễ, Tết, hay trong lúc hoạn nạn, bệnh tật hiểm nghèo, nhiều phần quà ý nghĩa đã được Hội trao đến tận tay các hội viên. Năm 2018, 13 NNCĐDC đã được hỗ trợ xây nhà, sửa nhà với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các hội viên của Hội đã được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tổng số tiền là khoảng 40 triệu đồng. Từ đầu năm tới nay, Hội đã trao trên 340 suất quà cho các NNCĐDC, các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Bằng sự đóng góp của các hội viên và sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đầu năm 2019, hội viên Đào Xuân Quang, xã Mỹ Yên và Vũ Hữu Tuất, thị trấn Hùng Sơn đã được hỗ trợ sửa nhà với mức 20 triệu đồng/hội viên…
Nhằm giúp các hội viên phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, Hội đã chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền về công tác Hội, đồng thời, vận động sự ủng hộ từ các đoàn thể, cá nhân trong và ngoài huyện tích cực đóng góp, xây dựng Quỹ bảo trợ NNCĐDC của huyện. Đến nay, nguồn Quỹ có hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài giúp đỡ các hội viên khi ốm đau, bệnh tật, Quỹ còn được sử dụng để luân phiên cho các hội viên vay vốn không lãi suất với mức tối đa là 10 triệu đồng/người, thời gian vay tối đa là 2 năm. Để duy trì và phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội đã lập ra kế hoạch hoạt động cụ thể, theo dõi sát sao gia cảnh của từng hội viên để có hướng giúp đỡ. 6 tháng đầu năm nay, Quỹ đã cho vay 80 suất với tổng số tiền 800 triệu đồng. Ông Đào Văn Dân, xóm , xã Yên Lãng là một trong những hội viên được vay vốn phát triển kinh tế của Quỹ. Ông Dân cho biết: Ngoài làm ruộng, từ năm 2016, tôi chăn nuôi thêm trâu, bò. Đầu năm 2019, tôi đã vay 10 triệu đồng từ Quỹ NNCĐDC của huyện để có thêm vốn mua thức ăn chăn nuôi. Mặc dù số vốn vay chưa nhiều so với tổng vốn đầu tư, thế nhưng, đây là nguồn động viên, khuyến khích rất lớn đối với tôi và gia đình. Không những thế, anh em trong Hội còn thường xuyên tới thăm hỏi, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Tình cảm đồng đội ấy khiến tôi cảm thấy ấm lòng.
Bên cạnh Quỹ NNCĐDC của huyện, 30 hội NNCĐDC xã, thị trấn cũng chủ động vận động các nguồn để có thêm điều kiện trực tiếp giúp đỡ hội viên của mình, tiêu biểu như Hội NNCĐDC thị trấn Hùng Sơn, xã Phú Lạc, xã Cù Vân… Từ sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong xã hội, không ít hội viên của Hội đã được quan tâm, chia sẻ khó khăn. Trong đó, nhiều hội viên đã vươn lên, tiếp tục đóng góp sức lực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Ông Bàng Văn Vượng, thị trấn Hùng Sơn cho biết: Cuối năm 1975, tôi trở về quê hương và mang trong mình chất độc da cam, bị thương cột sống cùng một số mảnh đạn còn găm trong người khiến cơ thể thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Sau đó, 1 trong 4 người con của tôi cũng bị dị tật và qua đời do di chứng chất độc da cam. Cuộc sống khó khăn song tôi luôn tự nhủ không được nản chí mà phải tiếp tục vươn lên sống có ích. Được sự động viên của gia đình, đồng đội, tôi đã chủ động san gạt đất đai, mua giống về trồng chè, đào ao thả cá. Đến nay, tôi đã có gần 6ha rừng đang độ thu hoạch, 7.200m2 chè cùng hơn 2.000m2 ao thả cá các loại, mỗi năm cho thu khoảng 150 triệu đồng. Kinh tế gia đình cơ bản đã ổn định, tôi có thêm điều kiện để san sẻ với đồng đội. Những ai cần kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi hay thiếu gỗ làm nhà tôi đều sẵn sàng giúp đỡ.
Ông Nguyễn Thượng Hòa cho biết thêm: Những năm gần đây, số lượng NNCĐDC qua đời do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật hiểm nghèo ngày càng nhiều, trung bình mỗi năm có từ 20-25 hội viên qua đời. Do vậy, công tác hỗ trợ thực hiện các chính sách, đặc biệt là giúp đỡ, chăm sóc các NNCĐDC luôn được Hội quan tâm hàng đầu. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự động viên, chia sẻ của các đoàn thể, cá nhân, qua đó có thể giúp đỡ các NNCĐDC của huyện trên địa bàn huyện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.