Phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững, hiệu quả

12:02, 16/08/2019

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), đến nay, các hợp tác xã (HTX) của tỉnh nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng đang phát triển tương đối nhanh về số lượng và dần đảm bảo về chất lượng... Mặc dù vậy, mô hình kinh tế này vẫn cần tiếp tục phải đổi mới, tăng cường liên kết, khắc phục khó khăn, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Kỳ 1: Xu thế lựa chọn để phát triển

Những năm qua, tổ hợp tác (THT), HTX hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Nhằm thúc đẩy hoạt động của các HTX nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ. Trên cơ sở đó, ngày càng nhiều hộ dân tích cực tham gia THT, HTX thay đổi lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây.

Bệ đỡ kinh tế hộ

Theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mô hình KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang chiếm ưu thế về số lượng và giữ vai trò quan trọng, thu hút và đem lại lợi ích cho trên 20.800 thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn, trực tiếp góp phần thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới. Các HTX nông nghiệp đã bước đầu xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, một số HTX đã có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 40 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chè, 18 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi gà đồi, thỏ, lợn và 15 HTX tham gia các chuỗi sản phẩm trồng trọt, chế biến nông sản khác như: Miến, mỳ gạo, rau củ quả, nấm, cây dược liệu...

Đến tham quan HTX Rau an toàn Thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), chúng tôi được chứng kiến cánh đồng rau đang phát triển xanh tốt, được che chắn bằng nhà lưới. Hiện HTX đang lên kế hoạch sản xuất theo hướng hữu cơ trong thời gian tới. Anh Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX thông tin: HTX hiện có 11 thành viên và 129 hộ dân liên kết, tổng diện tích canh tác là 39ha, trong đó gần 50% là rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Dù thời gian phát triển từ THT lên HTX chưa lâu song HTX đã tạo được uy tín với nhiều hộ dân. Điều quan trọng là thu nhập của thành viên tăng lên từ 15-20% so với sản xuất đơn lẻ. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường 6 tấn rau các loại, chủ yếu là các cửa hàng thực phẩm an toàn, trường học, bếp ăn tập thể…

Có thể thấy, ngoài thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, việc hỗ trợ người dân bao tiêu nông sản chính là một trong những yếu tố giúp HTX phát triển bền vững. Được thành lập từ cuối năm 2017 với hoạt động sản xuất đa dạng như: Trồng chuối thương phẩm, nuôi chim trĩ, đà điểu, trồng các loại cây ăn quả có múi, dược liệu…, HTX Thịnh Vượng, ở xã Nghinh Tường (Võ Nhai) đang là một trong những điểm sáng trong phát triển KTTT ở địa phương. Ông Hà Quốc Vượng, Giám đốc HTX cho hay: Trước khi trồng cây gì, nuôi con gì HTX đều bàn bạc, thống nhất với bà con. Đồng thời, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng phương án sản xuất, lợi nhuận, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như giống chuối Tây Thái Lan HTX trồng từ năm 2017 đến nay đã được thu lứa đầu tiên với 200 tấn chuối trên diện tích 10ha, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng. Nhận thấy hiệu quả, nhiều bà con trong vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm, một số người đăng ký tham gia vào HTX để cùng sản xuất, được cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Từ 7 thành viên khi mới thành lập, đến nay HTX đã phát triển lên 23 thành viên.

HTX Rau an toàn Thị trấn Hùng Sơn, HTX Thịnh Vượng chỉ là hai trong số các HTX nông nghiệp kiểu mới đang chứng minh vai trò của KTTT tại các địa phương. Với trên 200 HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm qua, các HTX nông nghiệp ngày càng phát triển đa dạng với nhiều ngành nghề như: Trồng cây ăn quả; sản xuất, chế biến chè; chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ

Cùng với sự nỗ lực tự thân của các HTX, nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển KTTT nói chung, các HTX nói riêng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành. Để thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra, trên cơ sở đánh giá thực hiện đề án phát triển KTTT giai đoạn 2001-2005 và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Thông báo số 15-TB/TU về việc thực hiện Đề án Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên (Đề án), giai đoạn 2006-2010, tiếp đó là Đề án giai đoạn 2011-2015 và gần đây nhất là Đề án giai đoạn 2017-2020. Trong đó, các HTX được hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, chính sách thuế và hỗ trợ tiếp thị, mở rộng thị trường… Theo đó, năm 2018, toàn tỉnh có 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ chính sách thu hút nguồn nhân lực tham gia quản lý, làm việc tại HTX. Thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, trên địa bàn tỉnh đã có 6 HTX nông nghiệp được giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng trụ sở, làm nhà kho. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ HTX thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường.

Từ những chính sách hỗ trợ này, ngày càng nhiều người dân nhận thức được lợi ích của KTTT, tự nguyện thành lập cũng như tham gia vào HTX. Bên cạnh các HTX đã hình thành từ lâu như HTX Dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp Liên Sơn, HTX nông nghiệp Tân Hương (T.P Thái Nguyên)…, còn xuất hiện nhiều mô hình HTX mới, thu hút sự tham gia của thanh niên nông thôn trở về quê hương lập nghiệp như: HTX Nông nghiệp Tức Tranh T&D (Phú Lương), HTX Nông nghiệp bền vững, HTX chè Tâm Minh (Đại Từ), HTX Nông sản Bãi Hội (Định Hóa)… Không ít HTX đã có nhiều đổi mới trong hoạt động sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nhờ vậy thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đã tăng lên đáng kể, trung bình đạt 3,5-4 triệu đồng/người/tháng (tăng 6,4 lần so với năm 2003).

Ngoài việc thực hiện chính sách chung của Nhà nước, năm 2010, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số vốn ban đầu là 5 tỷ đồng. Đến hết năm 2018, tổng vốn của quỹ được tỉnh cấp là 32,7 tỷ đồng với trên 70 dự án, phương án sản xuất hoạt động hiệu quả.