Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển

08:44, 09/08/2019

Sau hơn 2 năm thực hiện “Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”, ngành nông nghiệp T.X Phổ Yên đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt. Năm 2018, giá trị sản phẩm/ha đất nông nghiệp đạt 102 triệu đồng (tăng 6,2 triệu đồng so với năm 2016), cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: T.X Phổ Yên vốn được coi là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, nhưng những năm gần đây, một phần đất nông nghiệp đã bị thu hồi để thực hiện các dự án. Làm thế nào để giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khi diện tích đất ngày càng giảm là vấn đề Thị xã quan tâm hàng đầu. Dựa vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, Thị xã đã thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trên các cây trồng chính như: Lúa, chè, cây ăn quả… từ đó tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền.

Đối với cây lúa, Thị xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng theo hướng sử dụng giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, có khả năng thích ứng tốt, thời gian sinh trưởng phát triển ngắn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với việc thực hiện các mô hình trình diễn giống lúa mới, Thị xã cũng chỉ đạo các địa phương triển khai cánh đồng một giống lúa lai cho năng suất cao. Giai đoạn 2016-2018, Thị xã đã thực hiện 3 cánh đồng một giống, quy mô 35-56ha tại các xã: Tiên Phong, Trung Thành, Đắc Sơn, Vạn Phái, Thành Công... Chị Ôn Thị Tư, ở xóm Bìa, xã Thành Công cho biết: Việc thực hiện cánh đồng một giống đã giúp người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, làm quen với phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI), nhờ đó năng suất lúa ngày một tăng. Chỉ tính riêng năm 2018, năng suất lúa vụ xuân và vụ mùa đạt trên 53 tạ/ha, cá biệt có một số diện tích lúa ở các xã: Tiên Phong, Phúc Thuận, Thành Công... cho năng suất 65-67 tạ/ha.

Đối với các xã: Đông Cao, Tiên Phong, Minh Đức, Tân Phú, là các địa phương có diện tích rau màu lớn, do đó, ngoài việc khuyến khích bà con đưa các giống cho hiệu quả kinh tế vào gieo trồng, Thị xã còn tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2018, toàn Thị xã đã thực hiện chuyển đổi 450ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm (ngô nếp, đậu tương, rau màu, hoa) kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, diện tích gieo trồng cây rau hàng năm từ 2.000ha (năm 2016, sản lượng 32.354 tấn) đã tăng lên 2.236ha (năm 2018, sản lượng trên 37 nghìn tấn).

Căn cứ vào điều kiện thực tế và những lợi thế của địa phương trong phát triển cây chè, Thị xã đã khuyến khích người dân cải tạo đất, đưa các giống chè cành (LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên…) thay thế giống chè cũ, năng suất kém với diện tích trồng mới hằng năm 80-100ha. Hiện, toàn Thị xã có khoảng 1.700ha chè kinh doanh; hình thành được vùng sản xuất chè an toàn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tập trung tại xã Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Minh Đức với diện tích 150ha, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động địa phương. Năm 2018, sản lượng chè búp tươi toàn Thị xã đạt 17.530 tấn, tăng 810 tấn so với năm 2016.

Đặc biệt, giai đoạn 2016-2018, toàn Thị xã cũng đã trồng mới được trên 330ha các loại cây ăn quả: Nhãn, bưởi Diễn, cam Vinh, xoài.. Đến nay, Thị xã đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô trên 500ha tập trung nhiều tại các xã: Phúc Thuận, Minh Đức, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 10ha tại xóm Khe Đù, Khe Lánh, xã Phúc Thuận. Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết: Người dân trong xã trồng các loại cây ăn quả từ rất lâu đời, song nhận thấy cây nhãn phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây nên người dân đã đưa vào trồng và diện tích được nhân rộng hằng năm. Hiện nay, toàn xã có 300ha cây ăn quả, trong đó có 200ha nhãn, còn lại là cam, ổi, bưởi... Đặc biệt xã Phúc Thuận đã được quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

    Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm: Thành quả nổi bật sau hơn 2 năm thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt đó là địa phương đã xác định được cây trồng chủ lực để phát triển. Từ đó từng bước hình thành, quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện đầu tư phát triển theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Mặc dù việc thực hiện Đề án chưa thực sự đạt được kết quả như kỳ vọng, nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư hạn chế, sản xuất còn manh mún nên việc đưa cơ giới hóa còn gặp khó, gia tăng chi phí sản xuất, song việc thực hiện tái cơ cấu đã góp phần làm thay đổi tư duy, ý thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập trên một đơn vị đất canh tác. Dù diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, nhưng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đều tăng, năm 2018 là 60.844 tấn (tăng trên 148 tấn so với năm 2016); diện tích chè tăng 239ha…