Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng xe máy trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là do lượng xe máy được tiêu thụ trong cả nước đang chững lại nên các khách hàng lớn của những đơn vị này giảm đơn đặt hàng.
Hiện nay, trên địa tỉnh có khoảng 5 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe máy. Trong đó, nhiều đơn vị hoạt động có quy mô lớn và dần khẳng định được uy tín trên thị trường, như: Công ty Phụ tùng máy số 1, Công ty cổ phần (CP) Meinfa, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công... Trung bình mỗi năm, các DN này cung cấp ra thị trường khoảng 65 triệu sản phẩm, với nhiều sản phẩm phục vụ cho các hãng xe máy nổi tiếng, như: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio… Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, trước tình hình thị trường tiêu thụ xe máy trên cả nước chững lại, các đơn vị này đang gặp phải khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1, khoảng 1 năm trở lại đây, Công ty đã ngừng sản xuất vào những ngày nghỉ, do lượng đơn hàng giảm so với những năm trước. Ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Năm nay, Công ty chủ động đặt mục tiêu tăng trưởng tương đương so với năm 2018 và kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao vào những tháng đầu năm. Thế nhưng, kết quả lại không được như mong muốn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng phụ tùng xe gắn máy tiêu thụ của đơn vị đạt khoảng 16,5 triệu sản phẩm, chỉ bằng 92% kế hoạch 6 tháng đầu năm và tương đương so cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, thị trường xe máy được nhận định sẽ còn gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi rất lo khó hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra.
Với Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu đạt khoảng 800 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch quý và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nếu xét theo cơ cấu sản phẩm thì phụ tùng xe gắn máy (chiếm trên 52% tổng doanh thu) thì lại giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu tăng mạnh ở nhóm sản phẩm thị trường nội địa (vòng bi, bánh răng) và xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài với các sản phẩm phụ tùng ô tô, ngành điện…
Còn đối với Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công, trong vòng nhiều năm trở lại đây, mặc dù Công ty vẫn tăng trưởng ổn định và giải quyết việc làm cho hơn 900 người lao động. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm phụ tùng cho ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Hoài Nam, cán bộ của Công ty cho biết: Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các sản phẩm phụ tùng vận tải của Công ty có xu hướng tăng trưởng chững lại.
Theo đại diện các DN nói trên, những khách hàng lớn như Công ty Honda Việt Nam (chiếm đến 70% thị phần của các DN sản xuất phụ tùng xe máy trên địa bàn tỉnh) trong 6 tháng đầu năm nay đã tụt giảm khoảng 1% sản lượng xe máy. Đối với Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, mức giảm này còn cao hơn, thậm chí đơn vị này còn chuyển hướng nhập khẩu phụ tùng sang các công ty Trung Quốc để tạo sự cạnh tranh về giá bán. Chính vì điều này, các DN sản xuất phụ tùng xe máy trên địa bàn tỉnh đã không ký được nhiều đơn hàng mới.
Xác định được thị trường tiêu thị sản phẩm phụ tùng xe máy sẽ còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã cố gắng tìm giải pháp khắc phục, tuy nhiên việc thay đổi là không hề dễ dàng. Ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty Phụ tùng máy số 1 cho biết: Trên 90% sản phẩm của Công ty là phụ tùng xe máy và được sản xuất bằng công nghệ cũ. Muốn sản xuất dòng sản phẩm mới, Công ty phải thay đổi công nghệ với kinh phí đầu tư rất lớn. Vì thế, giải pháp hiện tại của Công ty là duy trì sản xuất cầm chừng, cắt giảm chi phí và chờ đợi thị trường xe máy khởi sắc trở lại.
Hiện nay, tỷ lệ sở hữu xe máy của người dân trong cả nước đang ở mức khá cao (đứng tốp đầu thế giới). Cùng với đó, người dân đang có xu hướng chọn mua xe máy điện. Do đó, thời gian tới, thị trường tiêu thụ xe máy dự báo sẽ tiếp tục khó khăn và sẽ tác động trực tiếp đến các DN sản xuất phụ tùng xe máy trên địa bàn tỉnh.