Chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm chè

12:24, 11/09/2019

Với diện tích chè khoảng 670ha (trong đó có trên 60% diện tích chè giống mới), tập trung chủ yếu ở hai xã Bình Sơn và Bá Xuyên, những năm gần đây, T.P Sông Công đã có nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chè của địa phương, từ đó góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương.  

Về xã Bình Sơn một ngày đầu tháng 9, đi qua những con đường bê tông uốn lượn đến các xóm Khe Lim, Bình Định 1, Bình Định 2, Bình Định 3, Tiền Tiến…, chúng tôi thấy người dân đang hối hả thu hoạch những búp chè xanh non trong tiết trời Thu. Ông Nguyễn Phúc Thái, Trưởng xóm Khe Lim cho biết: Xóm hiện có gần 100 hộ dân thì hầu hết các hộ đều trồng chè. Trước đây, người dân chủ yếu là trồng giống chè trung du cho năng suất, chất lượng thấp, thì nay, với 25ha diện tích, người dân trong xóm đã chuyển đổi sang trồng giống chè LDP1 cho năng suất, chất lượng cao hơn. Cùng với đó, Thành phố đang triển khai xây dựng vùng trồng chè hữu cơ 2ha nên bà con càng chú ý trong việc chăm sóc, chế biến chè, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

Là hộ trồng chè lâu năm và có diện tích chè gần 10.000m2, bà Lê Thị Quang, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP xóm Khe Lim chia sẻ: Nhiều năm trở về trước, đa phần chúng tôi trồng, chăm sóc chè theo kinh nghiệm, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng chè chưa được cao. Khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi được cán bộ khuyến nông của Thành phố và xã tận tình hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc chè nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được Thành phố hỗ trợ giàn tưới tiết kiệm nước, máy sao chè bằng ga nên cũng giảm được khá nhiều công lao động. Hiện, gia đình tôi bán trung bình là 250.000 đồng/kg chè búp khô, trừ chi phí, tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ có xã Bình Sơn, xã Bá Xuyên cũng là địa phương làm chè lâu năm trên địa bàn T.P Sông Công. Xã hiện có gần 100ha chè, trong đó có đến 80% là chè giống mới. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm gần đây, Thành phố và xã đã tập trung xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè theo quy trình kỹ thuật. Ông Đồng Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên thông tin: Ban đầu, khi chúng tôi tuyên truyền người dân thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân còn chưa hiểu thế nào là sản xuất chè theo tiêu chuẩn này và còn “đứng ngoài cuộc”. Vì thế, chúng tôi đã cử cán bộ khuyến nông sát sao, hướng dẫn bà con chi tiết kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thời gian thu hái sau khi phun thuốc… để bà con hiểu và làm theo. Đến nay, xã đã có 32 hộ dân trồng chè ở xóm Chũng Na và Ao Cang được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa tỉnh cấp Giấy chứng nhận VietGAP, với gần 10ha chè, nhờ đó sản phẩm chè của Bá Xuyên cũng được nhiều người biết đến, thu nhập và đời sống của bà con khấm khá hơn trước nhiều.

Ông Đào Đức Ngọc, ở xóm Ao Cang cho hay: Gia đình tôi có 5 sào chè Kim Tuyên và LDP1. Mấy năm trước, tôi thường bón phân hóa học cho cây chè, lượng phân đạm nhiều. Mỗi lần bón phân tính ra cũng khá tốn kém mà chất lượng chè không đảm bảo, tôi chỉ bán được 120.000 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, sau khi được Thành phố và xã tuyên truyền, vận động trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ trong chăm sóc chè, tôi đã giảm được khoảng 75% lượng phân hóa học, mà giá bán chè lại cao hơn hẳn (từ 250.000-300.000 đồng/kg).

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay T.P Sông Công có gần 40ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ dân tại các tổ hợp tác chè VietGAP cơ bản đã nắm chắc quy trình sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn này để sản phẩm cung ứng ra thị trường đảm bảo chất lượng. Khoảng 3 năm trở lại đây, Thành phố đã có những chính sách hỗ trợ về giá giống, phân bón, vật tư với kinh phí gần 1 tỷ đồng để người dân vùng trồng chè chuyển đổi từ giống chè năng suất thấp sang những giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao. Hiện, các giống chè mới của T.P Sông Công đạt hơn 400ha, chiếm trên 60% diện tích. Sản lượng chè búp tươi năm 2018 đạt 6.600 tấn (tăng 400 tấn so với năm 2016). Việc phát triển các làng nghề chè (8 làng nghề) cùng các chính sách hỗ trợ của Thành phố nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mặc dù năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm chè của T.P Sông Công đã cao hơn trước, tuy nhiên chè Sông Công vẫn còn khó khăn trong xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường. Người làm chè vẫn chủ yếu tự liên hệ thương lái thu mua nên giá bán chưa cao, đầu ra chưa ổn định. Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đồng thời phối hợp với các làng nghề chè thiết kế logo, dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, cùng với đó là mở thêm các lớp tập huấn, hỗ trợ phân bón hữu cơ giúp bà con chăm sóc tốt hơn để cây chè phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.